Nghĩa tình Đông Ba

Tiểu thương chợ Đông Ba thể hiện tinh thần 'lá lành đùm lá rách', hỗ trợ cho những mảnh đời không may gặp khó khăn, bất trắc trong cuộc sống.

 Ban quản lý chợ Đông Ba tổ chức “Bữa cơm yêu thương” cho các cháu ở Trường TH & THCS Hương Nguyên (huyện A Lưới). Ảnh: Quỳnh Như

Ban quản lý chợ Đông Ba tổ chức “Bữa cơm yêu thương” cho các cháu ở Trường TH & THCS Hương Nguyên (huyện A Lưới). Ảnh: Quỳnh Như

Thông tin chợ Khe Tre (huyện Nam Đông) gặp hỏa hoạn khiến nhiều chị em tiểu thương ở chợ Đông Ba cảm thấy bất ngờ, xót xa. Chị Phan Thị Nguyệt, một người gánh thuê hàng hóa ở chợ Đông Ba rụt rè hỏi Ban Quản lý chợ: “Tui muốn ủng hộ cho bà con tiểu thương chợ Khe Tre vừa gặp hỏa hoạn, nhưng tui chỉ có 50 ngàn thôi, có được không chị?”. Đôi chân chị Nguyệt thoăn thoắt, đôi vai nặng trĩu cõng hàng khắp chợ để kiếm 100 ngàn đồng/ngày mưu sinh. Vất vả là vậy, nhặt nhạnh những đồng tiền lẻ 5 ngàn, 10 ngàn nhưng chị vẫn sẵn sàng sẻ chia khi nghe bà con chợ Khe Tre gặp hoạn nạn. Bên hàng trái cây, chị Hồ Thị Năm tâm sự: “Nghe cháy chợ Khe Tre, tui xót xa lắm. Bữa nay buôn bán ế ẩm, lời lãi không là bao, tui cũng góp 50 ngàn gọi là tấm lòng Đông Ba gửi chị em không may bị cháy hàng hóa”. Cùng suy nghĩ với chị Nguyệt, chị Năm, rất nhiều chị em tiểu thương buôn bán nhỏ tại chợ Đông Ba đã ngỏ ý ủng hộ những món quà nhỏ như vậy đến với tiểu thương chợ Khe Tre.

Khi nghe tin chợ Khe Tre gặp nạn, Ban quản lý chợ Đông Ba đã có lời kêu gọi chia sẻ những thiệt hại nặng nề của bà con tiểu thương với tinh thần "lá lành đùm lá rách". Ngay sau đó, những đóng góp, hỗ trợ từ các tiểu thương bắt đầu triển khai. Theo chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, Ủy viên BCH Hội Phụ nữ chợ Đông Ba, các chị đi từng lô hàng, nói với bà con về tình hình chợ Khe Tre. Sự hỗ trợ của bà con tùy lòng hảo tâm, người nhiều, người ít, nhưng chung một tấm lòng người Đông Ba nhân ái.

Gom góp những tấm lòng của tiểu thương và bà con lao động trên địa bàn chợ, đầu tháng 12, Ban quản lý chợ Đông Ba đã thăm, động viên, tặng 180 triệu đồng cho chị em tiểu thương chợ Khe Tre. “Nhìn thấy chúng tôi, chị em tiểu thương chợ Khe Tre bật khóc. Có nhiều chị em tảo tần buôn bán, gắn bó với chợ suốt mấy chục năm để lo cho gia đình, chỉ sau một đêm trở nên trắng tay. Có chị buôn bán nhỏ, chắt chiu từng ngàn, bỏ heo ống để chuẩn bị cho con cái Tết ấm áp, nay trong đống tro tàn những ống tiết kiệm cháy đen”, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu tâm sự.

Nhận thông tin các cháu ở trường cấp 1, cấp 2 Hương Nguyên (huyện A Lưới) còn nhiều khó khăn, Hội Phụ nữ chợ Đông Ba đã báo cáo lãnh đạo Ban quản lý chợ, tổ chức “Bữa cơm yêu thương” với 280 suất cơm trưa cho các em vào đầu tháng 12. Nhìn danh sách đóng góp của các chị em tiểu thương ở chợ và cả những Việt kiều, chúng tôi cảm nhận nghĩa tình Đông Ba đã lan tỏa sâu rộng. Chị Đặng Thị Đông, buôn bán hàng trà tâm sự: “Bữa nay ít khách, doanh thu ít, lời lãi không bao nhiêu, nhưng nghe Hội Phụ nữ vận động cho các cháu là tui đóng góp ngay. Mình chia sẻ yêu thương cho các con, cũng là nhân lên nhiều niềm vui, nụ cười trong cuộc sống”.

Tiểu thương chợ Đông Ba tặng quà ủng hộ cho tiểu thương chợ Khe Tre (huyện Nam Đông)

Tiểu thương chợ Đông Ba tặng quà ủng hộ cho tiểu thương chợ Khe Tre (huyện Nam Đông)

Sự chuẩn bị của các chị em tiểu thương và Ban quản lý chợ cho chuyến đi của “Bữa cơm yêu thương” cứ rầm rập, tất bật. Các chị em góp bánh, kẹo, sữa, nước… bên cạnh suất cơm chất lượng do tổ phụ nữ ngành hàng ăn uống chế biến, nấu nướng. “Mấy khi mới lên với các con ở vùng xa, chuẩn bị chu đáo, tươm tất một chút để các con cảm nhận nghĩa tình Đông Ba”, chị Võ Hoàng Quỳnh Như, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ nói.

Mỗi người một tay, các chị tiểu thương chợ Đông Ba góp công, góp của để duy trì “Tủ mì 0 đồng” cho người nghèo. Chị Hồ Thị Năm tâm sự: “Mình không có kinh phí đóng góp thì mình tham gia xẻ mì để bỏ nhân thịt, tham gia bỏ mì vô bì để phát cho người đến nhận. Mỗi lần tôi xẻ tầm 200 ổ mì, giờ quen tay, làm nhanh hơn”.

Nghĩa tình Đông Ba không chỉ ở những hoạt động xã hội từ thiện, mà còn là những việc làm tốt, nhặt của rơi trả người đánh mất. Những mệ, những o lấm lem tay bùn đất làm hàng ở hàng rau, củ, quả, hàng trái cây nở những nụ cười thân thiện, hiền lành khi kể cho chúng tôi nghe những lần nhặt tiền và trả lại người làm mất. Các mệ bảo: Họ buôn bán tần tảo mới kiếm được chút tiền, mất rồi lấy chi làm vốn. Đằng sau họ là cả gia đình. Trả lại cho người ta là lương tâm nhưng cũng là việc phải làm, nên làm, khi nớ mới có thương hiệu “văn minh thân thiện là người Đông Ba”.

Đông Ba đang đổi mới từ chỉnh trang chợ, sửa sang lô ở các ngành hàng; Đông Ba xanh, sạch, sáng; Đông Ba không nói thách và có một Đông Ba đang gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa Huế: Đông Ba nghĩa tình.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/nghia-tinh-dong-ba-135836.html