Nghĩa tình dưới bóng từ bi

Với những nguyên tắc đạo đức và vị trí văn hóa của mình, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị, chuẩn mực con người, góp phần điều chỉnh hành vi của từng cá nhân trong cộng đồng, xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng phương châm 'Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội' của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Kỳ 1: Không ngừng học tập và làm theo Bác

Trong thư chúc mừng các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo vào ngày 8/1/1957,Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi có lời khen ngợi các vị tăng ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là phật tử... Đời sống của nhân dân ta dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm". Xác định giá trị cao quý này, nhiều trụ trì các chùa đã lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm “kim chỉ nam” cho những hoạt động hằng ngày.

Sâu sắc niềm tin lời Bác dạy

Là đảng viên, Hòa thượng Thạch Sông - Trụ trì chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) nhận thức được việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là nền tảng quan trọng để rèn luyện đức hạnh người tu hành và phát huy được giá trị của Phật giáo. Theo đó, Hòa thượng Thạch Sông thường xuyên tham gia học tập, quán triệt các chuyên đề để vận dụng vào cuộc sống hằng ngày.

Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để sống “tốt đời, đẹp đạo”, Hòa thương Thạch Sông tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với phật tử. Vận động phật tử thượng tôn pháp luật, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, có ý chí vươn lên thoát nghèo, trau dồi học tập nâng cao dân trí, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hòa thượng Thạch Sông - Trụ trì chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trao đổi với cán bộ địa phương về công tác sinh hoạt tín ngưỡng. Ảnh: SONG LÊ

Hòa thượng Thạch Sông - Trụ trì chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trao đổi với cán bộ địa phương về công tác sinh hoạt tín ngưỡng. Ảnh: SONG LÊ

Một trong những việc làm ý nghĩa được Hòa thượng Thạch Sông thực hiện thường xuyên là mở các lớp dạy chữ Khmer. Giai đoạn 2019 - 2024, là Chi hội trưởng Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trần Đề, Hòa thượng Thạch Sông đã chỉ đạo các chùa mở lớp sơ cấp Pali và Vini được 129 lớp, với 3.197 tăng sinh, học sinh theo học; mở 76 lớp dạy chữ Khmer cho 2.493 học sinh theo học. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, với tinh thần từ bi, bác ái của nhà Phật, Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện đã kêu gọi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer vận động phật tử đóng góp 5,4 tỷ đồng bao gồm cả tiền mặt và hiện vật để giúp người dân bị ảnh hưởng.

Tuy không phải là người khởi xướng nhưng Hòa thượng là người tiếp nối truyền thống tốt đẹp lâu đời của những vị trụ trì trước, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. “Phát huy tốt truyền thống tốt đẹp, để ngôi chùa Bâng Tone Sa mãi mãi là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh lành mạnh, nơi tập trung giúp mọi người gần nhau hơn, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp” - Hòa thượng Thạch Sông chia sẻ.

Đồng chí Triệu Hoàng Na - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề cho biết, vừa là trụ trì cũng là đảng viên, Hòa thượng Thạch Sông luôn đề cao việc giữ gìn, bảo tồn phong tục tập quán, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của Phật giáo Nam tông Khmer. Giáo dục phật tử tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa thượng là một trong những điển hình được Chủ tịch UBND huyện Trần Đề khen thưởng vì có những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thiêng liêng ảnh Bác

Thay lời nói bằng hành động, tại chùa Som Rong (Phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), Thượng tọa Lý Minh Đức (trụ trì chùa) luôn đặt ảnh Bác tại vị trí trang trọng của chùa. Thượng tọa Lý Minh Đức chia sẻ rằng, thờ ảnh Bác là cách tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, khi phật tử hay du khách gần xa đến tham quan đều sẽ thấy, để hình ảnh của Bác luôn gần gũi và luôn sống mãi trong ký ức của mỗi người. Từ những hình ảnh trang nghiêm, tôn kính về ảnh Bác trong chùa, nhiều gia đình đồng bào Khmer là phật tử cũng lập bàn thờ Bác tại nhà.

Ông Lý Phát, ngụ tại Phường 5, thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi làm theo chùa thờ ảnh Bác. Bác đã hy sinh một đời tìm đường cứu nước nên dân tộc mình mới chống được kẻ thù xâm lược, được độc lập, tự do. Chúng tôi được thụ hưởng nhiều chính sách để có cuộc sống tốt hơn”.

Với vai trò là trụ trì, Thượng tọa Lý Minh Đức đã kết nối giữa đạo và đời thông qua việc thuyết pháp, giảng đạo và vận động phật tử thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền để phật tử nêu cao tinh thần cảnh giác trước những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá.

 Ảnh Bác được đặt trang nghiêm tại chùa Som Rong (Phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Ảnh Bác được đặt trang nghiêm tại chùa Som Rong (Phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Là đại biểu Quốc hội khóa XV, Thượng tọa Lý Minh Đức tâm niệm mình càng phải đề cao việc học tập và làm theo Bác để rèn luyện bản thân, xứng đáng với niềm tin của cử tri. Thượng tọa Lý Minh Đức luôn phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Chủ động tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm, nhất là mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Đồng chí Lâm Sách - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh rằng, với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước, quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn vươn lên đạt nhiều kết quả to lớn. Trong quá trình thực hiện đã có hàng trăm tập thể, hàng ngàn cá nhân xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, trong các hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là lan tỏa ngày càng nhiều trong Phật giáo tỉnh Sóc Trăng. Từ những ý tưởng đổi mới, sáng tạo, những cách làm hay, kinh nghiệm quý của những điển hình tiêu biểu giúp chúng ta càng hiểu rõ và trân trọng hơn những giá trị chân, thiện, mỹ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

SONG LÊ - ĐỨC TRUNG

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202409/nghia-tinh-duoi-bong-tu-bi-bc953e3/