Nghĩa tình K15

Đến giờ, trong nhiều ngôi nhà ở huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong, câu chuyện về kế hoạch 15, gọi tắt là K15 vẫn được các cụ ông, cụ bà kể cho con cháu. 52 năm đã trôi qua vậy mà những câu chuyện đậm nghĩa tình vẫn còn nguyên giá trị.

Vợ chồng bà Phan Thị Khương chia sẻ với các bạn trẻ những ký ức về K15 - Ảnh: Q.H

Vợ chồng bà Phan Thị Khương chia sẻ với các bạn trẻ những ký ức về K15 - Ảnh: Q.H

Sẻ chia trong lửa đạn

Ngày 1/5/1972, quân và dân Quảng Trị vỡ òa trong niềm vui quê hương giải phóng. Thế nhưng, niềm vui ấy chưa trọn vẹn bởi quân địch thất trận vẫn tìm mọi cách tái chiếm. Trong tình hình ấy, cùng với tập trung chiến đấu chống trả, việc bảo vệ tính mạng người dân trở thành nhiệm vụ quan trọng. Sau khi đề xuất và nhận được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các huyện nhanh chóng họp bàn, xây dựng kế hoạch sơ tán người dân Hải Lăng, Triệu Phong ra vùng giải phóng Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Quảng Bình.

Theo kế hoạch K15, hơn 8 vạn người dân Hải Lăng, Triệu Phong, chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em sẽ được sơ tán. Trong đó, Vĩnh Linh là điểm đến của phần lớn bà con Triệu Phong. Để thực hiện nhiệm vụ đột xuất, rất quan trọng này, Khu ủy, Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh nhanh chóng thành lập ban đón tiếp K15. Các cán bộ sớm nhóm họp, trao đổi, thảo luận về phương án đón tiếp, tổ chức nơi ăn ở, phòng tránh bom đạn, sản xuất. Hơn 4.100 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, phương tiện sinh hoạt, đồ dùng...đã được chuẩn bị cho các gia đình K15.

Dẫu diễn ra trong thầm lặng nhưng cuộc sơ tán của hàng vạn con người vẫn không thể tránh khỏi việc bị phát hiện, dẫn đến mất mát, đau thương. Trong bối cảnh ấy, được sự chỉ đạo của cấp trên, cán bộ, người dân các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn... dùng tất cả thuyền bè xông pha dưới làn bom đạn suốt 2 ngày đêm để đưa đón hàng vạn người già, phụ nữ, trẻ em vượt sông Bến Hải.

Ủy ban Hành chính và Bộ Tư lệnh khu vực Vĩnh Linh huy động trên 1.500 cán bộ, dân quân các nơi vào tận bờ Bắc sông Bến Hải, hướng dẫn bà con về từng xã. Ủy ban Hành chính khu vực nhường khu giao tế để làm bệnh viện dã chiến phục vụ đồng bào bị thương.

Để nhanh chóng ổn định cuộc sống bà con đi sơ tán, cán bộ, người dân Vĩnh Linh đã nhường tất cả mọi thứ có thể. Ở các xã, hàng chục nghìn ngày công đào hầm, dựng lán được huy động. Bà con địa phương hỗ trợ người dân đi sơ tán trên 190 tấn lương thực, hơn 5.000 bộ áo quần, chăn chiếu...

Bà Nguyễn Thị Dậu (trái) và chồng luôn căn dặn con cháu tìm hiểu những trang sử của quê hương, đất nước - Ảnh: Q.H

Bà Nguyễn Thị Dậu (trái) và chồng luôn căn dặn con cháu tìm hiểu những trang sử của quê hương, đất nước - Ảnh: Q.H

Nhắc đến những ngày làm nhiệm vụ cao cả, bà Nguyễn Thị Dậu, 80 tuổi, trú tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh không khỏi bồi hồi. Thời điểm ấy, bà Dậu đang là xã đội phó dân quân, hội trưởng phụ nữ xã Vĩnh Giang. Khi nhận thông tin sẽ tiếp đón phụ nữ, trẻ em từ Triệu Sơn, Triệu Phong ra sơ tán, bà rất lo lắng. Để vơi đi nỗi lo, bà cùng các cán bộ khác ngày đêm chuẩn bị những điều kiện cần thiết. Sau khi đón người dân Triệu Sơn từ bến đò B và đưa tới nơi ở an toàn, bà Dậu mới thở phào.

“Phần lớn bà con đi sơ tán được bố trí về sống ở thôn Tân Mỹ, Cổ Mỹ, Tùng Luật, Di Loan... Bấy giờ, cuộc sống rất khó khăn. Bom đạn vẫn còn gầm rú đêm ngày. Thương bà con Triệu Sơn gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, người dân Vĩnh Giang luôn cố gắng bù đắp”, bà Dậu kể.

Thời điểm ấy, một bộ phận lớn người dân Vĩnh Linh đã được sơ tán ra miền Bắc. Số lượng người ở lại chỉ vỏn vẹn 3 vạn. Tuy nhiên, cán bộ, người dân địa phương vẫn sẵn lòng cưu mang, chia sẻ ngọt bùi với 4 vạn bà con Triệu Phong một cách đầy nghĩa tình, trách nhiệm. Các gia đình đến vùng quê mới được cấp lương thực, nhu yếu phẩm hằng ngày. Khi Nhà nước chưa kịp cấp chế độ, mọi người bao bọc nhau, có cơm ăn cơm, có sắn khoai dùng sắn khoai, không để một ai bị đói.

Ghép đôi những con người, miền quê

Đến nay, 52 năm đã trôi qua kể từ ngày mảnh đất Vĩnh Linh đón những người con của quê hương Triệu Phong ra tránh mưa bom, bão đạn. Thế nhưng, câu chuyện về tháng ngày gian khó nhưng đậm nghĩa tình vẫn còn in đậm trong ký ức. Không chỉ các cụ ông, cụ bà, nhiều bạn trẻ ở Vĩnh Linh, Triệu Phong cũng đang lưu giữ những câu chuyện đẹp về K15 mà lớp người đi trước kể lại.

Sinh năm 1971, vào thời điểm K15 diễn ra, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long Trần Quốc Lương còn quá nhỏ để lưu giữ những trang ký ức. Thế nhưng, ông từng nghe rất nhiều câu chuyện mà ba mẹ và các bậc cao niên kể lại. Theo ông Lương, trong gần 1 năm, người dân đi sơ tán và bà con Vĩnh Linh luôn đoàn kết, gắn bó, nỗ lực giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn.

Nhiều bà mẹ Triệu Phong đã lấy tên đất, tên làng Vĩnh Linh đặt tên cho con mình. “Không dừng lại ở những cái tên, K15 còn là nhịp cầu kết nối các miền quê. Nhiều năm nay, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh và xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong “tuy 2 mà 1”. Mỗi khi có sự kiện quan trọng hoặc gặp thiên tai, hoạn nạn, cán bộ, người dân hai xã lại ra vào thăm hỏi, hỗ trợ nhau”, ông Lương nói.

Cũng gắn kết hơn từ K15, cán bộ, người dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh từ lâu đã xem xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong là địa phương kết nghĩa. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Chiến cho biết, trong buổi lễ đón nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao mới đây, đoàn cán bộ xã Triệu Hòa đã dành thời gian ra thăchúc mừng bà con Vĩnh Thủy.

Sinh ra khi K15 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, ông Chiến vẫn còn nghe các bậc cao niên kể câu chuyện hôm cán bộ, người dân Vĩnh Linh tiễn bà con Triệu Phong về quê cũ. Mọi người đi giữa rừng cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng với nụ cười tỏa rạng trên môi. Nhiều bà con Vĩnh Linh tiễn người dân sơ tán về tận quê cũ. Trên vai ai nấy, đôi quang gánh đều trĩu nặng lúa gạo, đồ dùng, cây, con giống... Vụ chiêm xuân 1972, sau khi thu hoạch, các ban quản lý hợp tác xã ở Vĩnh Linh đều cử người mang tiền vào thanh toán công điểm cho bà con sơ tán từng cùng xã viên Vĩnh Linh lao động, sản xuất.

Lần chia tay ấy lại chính là sự khởi duyên cho những cuộc hội ngộ. Từ dấu mốc K15, nhiều trái tim yêu thương đã tìm đến với nhau nên vợ, nên chồng. Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Chiến, chúng tôi được biết mối tình đẹp của vợ chồng bà Phan Thị Khương.

Bà Khương năm nay 79 tuổi, quê gốc ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong cùng gia đình sơ tán ra xã Vĩnh Thủy vào tháng 7/1972, bà Khương tình cờ gặp ông Hề rồi hai con tim sớm hòa chung nhịp đập. Đám cưới của họ được tổ chức trong căn hầm chữ A với rất nhiều lời chúc phúc. Hiện tại, vợ chồng bà Khương có 3 người con và 6 người cháu.

“Chúng tôi luôn thầm cảm ơn K15 và cả những gian khó đã trở thành chất xúc tác, giúp tình yêu của chúng tôi vượt qua thử thách,đơm hoa, kết trái”, bà Khương chia sẻ.

Ngoài vợ chồng bà Phan Thị Khương, trên mảnh đất Vĩnh Linh còn nhiều câu chuyện tình yêu khác được se duyên bởi cuộc sơ tán giữa làn mưa bom, bão đạn. Cũng từ K15, nhiều xã của Vĩnh Linh và Triệu Phong đã “kết đôi”. Hàng chục năm trôi qua, sự gắn kết giữa những miền quê, con người Vĩnh Linh, Triệu Phong luôn sắt son, bền chặt bởi nó kết tinh từ cả nghĩa lẫn tình.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nghia-tinh-k15-187744.htm