Nghĩa tình người lính Biên phòng

Ngày tốt nghiệp Đại học Biên phòng, tôi vào miền Nam công tác. Mẹ tiễn tôi đi hết lũy tre cuối làng bằng những giọt nước mắt bùi ngùi trên vai áo. Dẫu biết con đi lính Biên phòng là phải công tác xa nhà, nhưng lòng mẹ vẫn dâng tràn niềm luyến lưu, bịn rịn. Ngày ấy, Bắc Nam vẫn còn là một khoảng cách xa xôi diệu vợi, không hẳn bởi không gian, mà hằn sâu trong tâm tưởng.

Thắm đượm tình quân dân trên những cánh đồng. Ảnh: minh họa

Thắm đượm tình quân dân trên những cánh đồng. Ảnh: minh họa

Sau 5 năm miệt mài trên thao trường, giảng đường và “tôi rèn trong lò luyện thép”, “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, như cánh chim sổ lồng tung cánh, tôi háo hức lên đường. Ga Nam Định hôm ấy chật cứng những người lên, kẻ xuống. Nhiều ánh mắt trìu mến, yêu thương nhìn người lính trẻ trên chuyến tàu khách Bắc Nam. Tôi tự hào với bộ quân phục mới tinh, đôi quân hàm sĩ quan Biên phòng màu xanh, điểm ngôi sao Thiếu úy sáng lấp lánh.

Giữa mùa hè, toa tàu Thống Nhất già nua, hạng chót như càng thêm tích nhiệt. Mặc kệ những cái nóng đang hầm hập vây bủa, tôi mê mải nhìn ngắm cảnh sắc mới lạ, hai bên đường tàu lướt qua nhanh vun vút. Đang lúc tâm hồn bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của cung đèo Hải Vân trùng điệp, bỗng một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi. Giật mình quay lại, tôi nhận thấy đôi quân hàm màu xanh thân thuộc, tuy hơi cũ nhưng nằm ngay ngắn trên đôi vai gầy của một anh Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp.

Bỏ qua những xã giao thông thường, anh vồn vã: “Anh thoáng nhìn thấy chú từ lúc mua vé ở ga Nam Định, nhưng khi lên tàu, anh lại ở toa cuối, đi tìm mãi mà không gặp”. Tôi cũng bắt chuyện với anh như người thân lâu ngày gặp lại: “Rồi sao anh tìm được em ạ?”. Anh hồ hởi: “Anh hỏi thăm nhân viên nhà tàu, biết chú ở toa này, anh tìm cách đổi toa. Nhưng cũng không phải anh tìm thấy chú ngay đâu. Trước đó, anh hỏi thăm, người ta đã chỉ nhầm đến một cậu bộ đội ở toa khác. Lúc mua vé, người đông, nhưng anh không thể nhìn nhầm màu xanh Biên phòng được”. Tôi thầm “à” vui một tiếng trong sự ngạc nhiên xen lẫn niềm thích thú. Để tìm thấy một người lính cùng lực lượng mà anh đã phải đi dọc cả con tàu, từ lúc ở Nam Định cho tới Đà Nẵng ư?

Anh kể, hồi mới nhập ngũ, anh đóng quân ở một đồn Biên phòng trên miền cao cực Bắc, quanh năm mây phủ. Đi bộ một ngày mới đến trung tâm xã, nơi có chợ, có trường học, có những thầy cô giáo cắm bản. Giữa biên giới mênh mông chỉ có cây cỏ, núi rừng và anh em đồng đội gắn bó bên nhau. Chốt Biên phòng có 5 người, canh giữ 2 cột mốc và hơn 10 ki lô mét đường biên. Hằng ngày, anh em thay nhau tuần tiễu, bảo vệ biên giới, đề phòng kẻ địch phá hoại, xâm nhập và tăng gia cải thiện đời sống. Bởi vậy, tình cảm với những người cùng mang quân hàm xanh đã hằn in sâu vào trong tâm thức, mỗi ngày càng thêm đậm nét.

Gần 10 năm trở lại đây, anh được điều động vào Biên phòng tỉnh Kiên Giang công tác, làm cán bộ vận động quần chúng và thầy giáo quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng xã đảo Tiên Hải. Vợ anh cũng chuyển vào cùng và làm y sĩ ở bệnh viện Rạch Giá. 3 tháng anh mới được về thăm nhà một lần. Hằng ngày, giữa muôn trùng sóng biển cũng chỉ có những người lính sát cánh bên nhau, gắn bó, yêu thương cùng những ngư dân sống bằng nghề bám biển. Anh bảo với tôi rằng: “Nơi khó khăn, gian khổ, anh em mình sống với nhau quý lắm. Dù ở rừng núi biên cương phía Bắc hay hải đảo chót mũi cực Nam, những người lính Biên phòng thương yêu, gắn bó keo sơn, nhường nhịn nhau từng chén cơm, ly nước, từng ngày về thăm nhà. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ và cùng vượt qua gian khó, hi sinh”.

Tôi như nuốt từng lời anh nói trong niềm xúc động khôn tả. Tôi kể cho anh nghe. 5 năm trong môi trường huấn luyện, chúng tôi cũng có lúc hơn thua, hay vị kỷ cá nhân, nhưng đến khi chuẩn bị nhận quyết định đi đơn vị cơ sở công tác, tình cảm đồng chí, đồng đội bỗng dâng lên quyến luyến. Mỗi người rồi sẽ công tác ở một vùng biên cương của Tổ quốc, nhưng chúng tôi đều cùng một khóa sĩ quan, cùng trong một lực lượng. Nghĩa tình ấy sẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Ngày chia tay, chúng tôi ôm ghì lấy nhau mà nghẹn ngào xúc động. Những cái bắt tay rất chặt, thầm hứa với nhau sẽ công tác thật tốt để xứng đáng là đồng chí của nhau trong cùng hàng ngũ.

Thấm thoắt đã gần trọn 20 năm, kể từ ngày tôi ra trường, nhiều đơn vị và vị trí công tác đã trải qua và cũng rất nhiều những đồng chí, đồng đội đã gắn bó bên nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ở đâu và trong bất kỳ cương vị, mối quan hệ nào thì tình nghĩa giữa những người lính với nhau vẫn là thiêng liêng, cao quý nhất.

Mẹ đã có dịp vào miền Nam chăm chút cho gia đình nhỏ của tôi và đến thăm đồn Biên phòng nơi tôi đang công tác. Gặp anh em đồng đội của con, quê ở cả ba miền đất nước mà giờ đây đang quây quần bên cạnh, mẹ không giấu nổi niềm vui và xúc động. Mẹ bảo: “Khoảng cách Bắc Nam cả về không gian và thời gian đã được nghĩa tình đồng đội của các con xóa nhòa đi tất cả”.

Ngày mùng 3 tháng 3, ngày truyền thống của lực lượng đang tới gần, tôi đi trong một buổi chiều biên cương, giữa bộn bề công việc. Lòng bỗng bồi hồi xúc động khi nghĩ về tình thương của mẹ, sự đùm bọc, sẻ chia của quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới và nghĩa tình của những người lính Biên phòng đang từng ngày, từng giờ sát cánh bên nhau.

Nguyễn Hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghia-tinh-nguoi-linh-bien-phong-post459209.html