Nghĩa tình nơi biên giới

Ở khu vực xã Ia Tơi, Ia Đal - nơi những dãy núi trùng điệp vắt ngang biên giới Việt Nam - Campuchia, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng chính nơi đây, nghĩa tình quân dân ngày càng được thắp sáng, lan tỏa mạnh mẽ...

Ngôi nhà ấm áp

Những ngày tháng 6 qua, không khí tại xã Ia Tơi rộn ràng khác thường. Tiếng nói cười râm ran khắp xóm nhỏ. Chuyện là vừa qua, 5 căn nhà đại đoàn kết được khánh thành và trao cho các hộ nghèo, góp một phần nhỏ trong hành trình đổi thay ở nơi biên viễn. Những căn nhà được xây dựng từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng/căn của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam thông qua Báo Nhân Dân, cộng thêm phần đối ứng từ các hộ dân và hỗ trợ địa phương.

Chị Ksor Biu chia sẻ, trước đây cứ mỗi lần mưa là cả gia đình sống trong thấp thỏm, lo âu vì dột ướt cả nhà. Có đêm, gió giật mạnh, cả mái nhà rung lên bần bật, mình chỉ biết ôm con mà cầu mong trời sáng để trú tạm nơi khác. Giờ được hỗ trợ, có nhà mới rồi, mình mừng lắm! Căn nhà không chỉ che mưa che nắng, mà còn là động lực để mình cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống. Vợ chồng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn, cạo mủ cao su, nuôi thêm gà để có tiền cho con cái ăn học, mong các con sau này thoát khỏi cái nghèo.

Cùng chung niềm vui có nhà mới, chị Nguyễn Thị Huyền (dân tộc Tày) xúc động kể, bao năm qua, gia đình em ở trong căn nhà gỗ tạm bợ, vách mỏng, nền đất, mỗi lần mưa to là nước ngập vào nhà. Em không dám mơ có ngày mình được ở trong ngôi nhà tường vững chắc thế này. Cảm ơn chính quyền, cảm ơn các nhà tài trợ đã cho gia đình em một khởi đầu mới. Căn nhà sẽ là điểm tựa để gia đình em nỗ lực nhiều hơn, vươn lên xây dựng cuộc sống.

Lực lượng vũ trang trồng cây xanh xây dựng cảnh quan nơi biên giới.

Lực lượng vũ trang trồng cây xanh xây dựng cảnh quan nơi biên giới.

Những ngôi nhà mới kiên cố dần thay thế những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Đồng hành cùng các hộ nghèo nơi đây là sự chung tay, góp sức của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn xã. Ở nơi vùng biên còn nhiều thiếu thốn, việc xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất, mà còn là cách để khơi dậy khát vọng vươn lên, hun đúc niềm tin, giúp bà con yên tâm bám đất, giữ làng, gìn giữ phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ những căn nhà đại đoàn kết ở xã Ia Tơi, có thể thấy rõ sự lan tỏa của tinh thần tương thân tương ái, sức mạnh của sự đồng lòng, chung sức. Đó cũng chính là minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác dân vận khéo, khi lòng dân được chăm lo, khi từng hộ nghèo được tiếp sức để không ai bị bỏ lại phía sau.

Cầu nối nghĩa tình

Không chỉ hỗ trợ nhà, ở vùng biên, công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là cầu nối nghĩa tình giữa Đảng với dân. Những năm qua, cùng với việc hỗ trợ nhà ở, các lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình giúp dân thiết thực như: Hỗ trợ sinh kế, khám chữa bệnh lưu động, sửa chữa đường giao thông, dựng lại nhà bị thiên tai, tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo... Đồng thời, huy động hàng tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hàng chục căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường bê tông nối dài đến tận các thôn, điểm trường mới được xây dựng, mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước được triển khai. Sự đổi thay ấy bắt nguồn từ chính chủ trương “lấy dân làm gốc”, coi dân là chủ thể trung tâm trong mọi chương trình phát triển.

"

Chúng tôi xác định giúp dân là nhiệm vụ, là mệnh lệnh từ trái tim. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân từ những việc nhỏ nhất, như dọn dẹp nhà cửa, hướng dẫn chăm sóc vật nuôi, cây trồng đến làm đường, dựng nhà, chống lũ... Khi người dân cần, chúng tôi có mặt”.

Đại úy Lê Văn Sắc - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Sa Thầy

Bí thư Đảng ủy xã Ia Đal A Kiên cho biết, công tác dân vận phải bám sát đời sống, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Làm dân vận không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng hành động, bằng những kết quả cụ thể. Muốn dân tin, dân theo thì cán bộ phải gần dân, hiểu dân, sống cùng dân. Đặc biệt ở vùng biên, dân vận phải đi đôi với chăm lo an sinh, hỗ trợ sinh kế. Khi người dân có cuộc sống ổn định, có niềm tin vào chính quyền, họ sẽ là những người bảo vệ biên cương vững chắc nhất. Chúng tôi luôn xác định, mỗi căn nhà trao đi là một mái ấm dựng lên cho tương lai, là lời cam kết của Đảng, Nhà nước với đồng bào, rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung phát huy nội lực cộng đồng, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của bà con.

Giúp dân vùng biên không chỉ là một việc cần làm, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nghĩa tình, là sự gửi gắm của Đảng, Nhà nước đến từng hộ dân khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc. Từ những mái nhà mới, từ những bàn tay được nắm chặt trong gian khó, một hành trình ấm áp tình người đang lan tỏa...

Bài, ảnh: TẤT THÀNH

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nghia-tinh-noi-bien-gioi-54206.htm