Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Thị Minh ở xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 163, Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, cụ thể:

1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

* Bạn đọc Lê Thu Giang ở phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hỏi: Tạm đình chỉ công việc đối với người lao động được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Điều 128, Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, cụ thể:

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/nghia-vu-cua-nguoi-su-dung-lao-dong-khi-su-dung-lao-dong-la-nguoi-giup-viec-gia-dinh-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-657571