Nghịch cảnh ở Phố trình tường Hữu Khánh
Ở xã Hữu Khánh (huyện Bình Lộc) có hàng nghìn ngôi nhà trình tường có lịch sử vài trăm năm tuổi, được người miền biên viễn xứ Lạng vẫn hay gọi vui là 'Phố trình tường'. Tuy nhiên, những ngôi nhà trình tường đang dần mất đi trong tiếc nuối.
Nhà trình tường - những pháo đài đất
Người hiếu kỳ đi lên cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) thì thấy ngạc nhiên với dãy phố những ngôi nhà trình tường cổ kính kéo dài dọc đường đến 3km. Kỳ lạ hơn, với kỹ thuật độc đáo, có nhiều ngôi nhà trình 2 tầng hoàn toàn bằng đất sét nhưng vững chãi và kiên cố đã hơn 100 năm nay. Người xứ Lạng vẫn tôn vinh gọi Hữu Khánh bằng những mỹ từ như: Vương quốc nhà trình tường, phố trình tường hay xứ sở của những ngôi nhà trình tường…
Mục sở thị mới thấy thán phục sự công phu của những ngôi nhà trình tường đã xây dựng lâu đời. Hỏi trưởng bản Kiểng Hà Văn Bôn thì ông trả lời rất tự hào: "Chẳng biết nhà trình tường có từ khi nào nhưng khi người Tày đến đây định cư hàng nghìn năm thì đã có nhà trình tường rồi. Từ thời phong kiến, vùng Hữu Khánh chúng tôi thường xuyên có quân cướp từ bên kia bên giới tràn sang. Mỗi ngôi nhà trình thường như thế này chính là một pháo đài để dân bản chống cướp, chống giặc giã".
Tuy nhiên, giọng ông Bôn chùng xuống, nhìn xa xăm buồn buồn: "Bây giờ thì chẳng còn ai xây dựng nhà trình tường nữa nên bí quyết chỉ mỗi ông Hà Văn Dẩn còn biết".
Đến nhà ông Dẩn thì thấy ngôi nhà ông đang ở quả là vĩ đại. Ba ngôi nhà trình tường 2 tầng kề liền nhau có chiều dài hơn 30 m như nhà dài của người Ê đê. Ba ngôi nhà đều có cửa thông nhau. Ông Dẫn đã hơn 80 tuổi nhưng khi hỏi đến câu chuyện nhà trình tường thì ông toát lên vẻ tinh anh. Bởi lâu lắm rồi không ai trong bản nhắc đến câu chuyện làm nhà trình tường nữa. Dân bản chỉ bàn nhau xây nhà xi măng cho giống trên phố huyện thôi. Ngôi nhà trình tường cuối cùng được dựng ở xã này vào năm 1996, là ngôi nhà thứ 3 dành cho đứa con trai thứ 2 của ông, kề liền với nhà ông và đứa con cả.
Ông bảo: " Người Tày chúng tôi có hai kỹ thuật dựng nhà trình tường. Loại nhà thứ nhất là trình tường trực tiếp bằng đất. Loại nhà này sau khi chọn đất thì dùng khung để nén đất sét trình tường. Loại thứ hai là dùng khuôn đúc gạnh đất sét rồi xây như kiểu nhà hiện đại nhưng chỉ khác là hồ và vữa để xây cũng chỉ bằng đất sét".
Ông cũng cho biết, cái khó nhất khi làm nhà trình tường là chọn đất để cất nhà. Theo phong thủy của người Tày cũng giống như cách dựng nhà của người Kinh là nhà nghoảnh về hướng nam và tựa lưng vào núi. Ở Hữu Khánh địa hình chủ yếu là đồi núi dốc nên dựng nhà ở triền đồi là thích hợp nhất. Nhưng điều quan trọng nhất, xung quanh mảnh đất ấy phải có nhiều cây, cây cổ thụ thì càng tốt bởi theo kinh nghiệm truyền đời của người Tày, nơi có nhiều cây thì mảnh đất đó không bao giờ bị sạt lở.
Còn những ngôi nhà trình tường 2 tầng thì kỹ thuật rất cao. Cái khó nhất để dựng nhà 2 tầng là gia cố móng và trình tường các trụ nhà. Móng nhà thì chỉ gia cố duy nhất bằng kỹ thuật xếp đá, đá phải xếp khít để đủ chịu lực và chắc chắn. Bốn trụ nhà bốn góc tường chính là bốn cọc chịu lực cũng phải xếp đã rồi mới trình tường. Ngày xưa công đoạn chọn đất, xếp đá móng và xếp đá trụ thì phải chính tay ông trực tiếp làm. Bởi theo ông bảo nếu những công đoạn đó làm không chính xác thì ngôi nhà trình tường có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Theo quan niệm của người Tày, một ngôi nhà trình tường tốt thì tường ngôi nhà đó mùa mưa không bị ngấm nước. Để tường đất không bị ngấm nước dù mưa dài ngày thì công trình nện đất tường phải công phu và cẩn thận. Có nhiều ngôi nhà ngày xưa chính tay ông trực tiếp làm thì riêng công đoạn nện đất trình tường thì phải mất hơn 3 tháng mới xong.
Nhà trình tường mùa Đông thì ấm, chống gió, còn mùa Hè thì mát, chống nóng. Có một nhược điểm duy nhất của nhà trình tường là vào mùa mưa nhà hay bị ẩm mốc, nhưng người Tày đã có sáng kiến làm ngay bếp lửa giữa nhà để chống lạnh và xua ẩm mốc. Chính vì có bếp luôn đỏ lửa trong nhà bám khói nên những ngôi nhà trình tường ở Hữu Khánh càng thêm rêu phong cổ kính.
Ngày xưa, thợ làm nhà trình tường thì nhiều vô kể nhưng cũng lần lượt về với tổ tiên. Riêng với ông Dẩn đó là nghề gia truyền của bố truyền lại. Ngày xưa bố ông đã từng đi khắp xứ Lạng để dựng nhà cho các quan lang và các gia đình quyền quý. Bây giờ ông chẳng biết truyền lại nghề này cho ai bởi 2 đứa con của ông nói lý: " Cả vùng này còn có ai làm nhà trình tường nữa mà học nghề của bố".
Giấc mơ Phố trình tường
Sở dĩ người xứ Lạng vẫn gọi Hữu Khánh bằng cái tên nghe sang trọng giữa heo hút núi rừng là: Phố trình tường bởi nơi đây là nơi duy nhất còn lưu giữ được hàng nghìn ngôi nhà. Nhưng theo cách gọi của ông Dẩn thì bản ông đã thành "phố pha nhà trình trình tường", bởi đâu đó đã thấp thoáng những ngôi nhà bê tông cốt thép lạc lỏng giữa khung cảnh trầm mặc.
Chẳng biết cái xu thế phá nhà trình tường để xây nhà bê tông ùa về bản ông khi nào mà dân bản thi nhau dành tiền để xây nhà xi măng cốt thép. Cũng chẳng biết cái quan niệm rằng có nhà bê tông khang trang 2 – 3 tầng mới là người giầu ở bản xuất hiện khi nào nhưng theo ông nghĩ đó là quá trình "nghèo hóa" của phố bản mình. Cũng như bao tộc người khác, nhà trình tường chính là gia tài lớn nhất mà cha mẹ để lại con cái, là nơi giữ lửa và cho nhiều thế hệ. Nếu không còn thấy nhưng bếp lửa bập bùng trong nhà trình tường thì đó không còn là bản làng của người Tày nữa rồi.
Ông bảo: "Cái "danh hiệu" phố trình tường mà người dân xứ Lạng thán phục đặt cho Hữu Khánh đã và đang bị mai một rồi. Ngoài kia rất nhiều bức tường trình đang bị đạp đổ và những viên ngói âm dương đang đang bị vỡ vụn". Ông cũng chỉ biết đến bàn với trưởng bản khuyên con cháu hãy giữ lại nhà của cha ông truyền lại nhưng đều vô hiệu.
Điều ông Dẩn tiếc nhất, hàng nghìn ngôi nhà trình tường ở vùng này chính là công sức của nhiều thế hệ người Tày xây dựng. Bỗng dưng mỗi sớm mai, không còn thấy khói bốc lên từ mỗi mái ngói âm dương và thay vào đó là những mảng mầu ve xanh đỏ của những ngôi nhà bê tông cũng làm ông nhói lòng. "Có thể tôi già rồi, lú lẫn rồi, không còn "hiện đại" như lớp trẻ bây giờ nên chúng mới không thích nhà trình tường. Đau lòng hơn, năm trước nhà anh Hùng ở bản bên thích làm nhà trình tường, tôi đã kỳ công gần 5 tháng mới xong nhưng đến mùa mưa thì sụp đổ. Cái rừng không còn, thì nền đất dễ lung lay lắm. Nhà trình tường với nền đất tuy là hai bộ phận nhưng phải có sự gắn kết như một", ông buồn rầu bảo.
Quả thật, nhìn quanh tứ phía, Hữu Khánh đã đa phần trơ toàn đồi núi trọc. Chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng khiến ngôi nhà trình trường mới dựng sụp đổ do nền đất bị sạt. "Ngày xưa cha ông người Tày chúng tôi giữ rừng chính là giữ lại Phố trình tường này cho hậu thế. Ngày nay lớp con cháu nó đã không giữ được rừng thì Phố trình tường này cũng sẽ không còn giữ được. Chỉ vài mùa mưa thôi, nhiều ngôi nhà sẽ bị sạt và thay vào trên nền đất ấy là những ngôi nhà xây xi măng. Tôi đã sống ở Phố trình tường Hữu Khánh này gần cả cuộc đời rồi mà đến cuối đời vẫn phải ước mơ thấy lại Phố trình tường như ngày xưa. Có phải giấc mơ "bao giờ cho đến ngày xưa" của tôi là nghịch cảnh không các chú nhỉ?".
Ông hỏi chúng tôi như hỏi hư vô khi tiếng máy trộn bê tông đang ầm ào phía đầu bản.
Người Thái dựng nhà sàn