Nghịch lý doanh nghiệp ngành sản xuất săm lốp

Giá cao su thiên nhiên giảm mạnh, nhưng triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp săm lốp vẫn chưa thể khởi sắc do hoạt động xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức.

Cao su Đà Nẵng vận hành thêm nhà máy khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Lê Toàn)

Cao su Đà Nẵng vận hành thêm nhà máy khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Lê Toàn)

Giá cao su thiên nhiên đảo chiều

Thông thường, giá cao su thiên nhiên giảm giúp giá vốn của ngành săm lốp giảm xuống, làm tăng biên lợi nhuận, từ đó có thể cải thiện lợi nhuận ròng của doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay, dù giá cao su thiên nhiên giảm trở lại, nhưng triển vọng ngành săm lốp vẫn còn nhiều ẩn số khó lường phía trước.

Theo lý giải của các chuyên gia hàng hóa trên thế giới, giá cao su thiên nhiên giảm chủ yếu liên quan tới lượng tồn kho lớn tại Trung Quốc khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn nhất thế giới sụt giảm, đồng thời các hãng ô tô tại Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách giảm giá xe điện, xe hybrid để kích cầu tiêu dùng, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên giảm theo.

Thực tế, trong quý I/2025, các doanh nghiệp săm lốp đang niêm yết lớn như Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC), Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina, mã CSM) ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc do giá cao su ở mức cao. Trong đó, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu tăng 21,2%, lên 1.189,8 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế giảm tới 80,8%, về 9,47 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,6%, còn 11,1%. Casumina ghi nhận doanh thu giảm 11%, còn 1.021,28 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 25,9%, chỉ đạt 17,48 tỷ đồng.

Được biết, trong những năm qua, Cao su Đà Nẵng duy trì doanh thu xuất khẩu gần 70% tổng doanh thu, tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ và Brazil.

Nếu nhìn rộng ra, sau khi ghi nhận lãi 307,2 tỷ đồng trong năm 2022, Cao su Đà Nẵng đã liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sút, với năm 2023 ghi nhận lãi giảm 19,8% (đạt 246,33 tỷ đồng), năm 2024 giảm 6% (đạt 231,6 tỷ đồng).

Để giảm tác động từ khả năng sụt giảm tại các thị trường lớn, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2025, Cao su Đà Nẵng đưa ra kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường khác như châu Âu, Trung Đông, châu Phi, để giải quyết bài toán sản lượng của nhà máy. Tuy nhiên, Công ty vẫn tỏ ra lo ngại về biên lợi nhuận tại các thị trường thay thế.

Cao su Đà Nẵng mới đưa vào vận hành thêm nhà máy lốp radial - giai đoạn III từ quý II/2024, với công suất tăng thêm 1 triệu lốp/năm. Việc này có thể kéo theo các chi phí cố định như khấu hao và chi phí lãi vay phục vụ đầu tư giai đoạn III.

Được biết, nếu cuối năm 2021, Cao su Đà Nẵng sử dụng 573,8 tỷ đồng nợ vay, thì tới cuối quý I/2025, tổng nợ vay lên tới 1.075,7 tỷ đồng, bằng 55,9% tổng vốn chủ sở hữu.

Như vậy, Cao su Đà Nẵng không chỉ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tìm thị trường mới, mà còn đang chịu thêm áp lực chi phí cố định từ khấu hao và chi phí lãi vay liên quan nhà máy lốp radial - giai đoạn III vừa vận hành. Điều này có thể tiếp tục thu hẹp biên lợi nhuận của Công ty trong giai đoạn cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Casumina vẫn duy trì hiệu quả sử dụng tài sản và vốn thuộc nhóm thấp trong ngành

Tại Casumina, sau khi ghi nhận lãi kỷ lục 289,9 tỷ đồng trong năm 2015 và lãi 260,9 tỷ đồng trong năm 2016, Công ty liên tục ghi nhận mức lãi dưới 100 tỷ đồng/năm trong nhiều năm liên tiếp.

Riêng năm 2024, dù lãi 72,07 tỷ đồng, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản (tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) chỉ đạt 1,87% so với trung bình ngành là 5,59% và hiệu quả sử dụng vốn (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) chỉ đạt 5,37% so với trung bình ngành là 12,8%.

Bước sang năm 2025, Casumina đặt kế hoạch doanh thu giảm 5% (đạt 4.735 tỷ đồng), lợi nhuận tăng 6% (đạt hơn 94 tỷ đồng). Trong đó, kỳ vọng tăng trưởng lốp xe đạp, săm xe đạp, lốp ô tô và máy kéo, săm ô tô.

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh đi lùi trong quý đầu năm 2025 và bất ổn bên ngoài có thể tác động tới tình hình kinh doanh, ông Nguyễn Đình Khoát, Tổng giám đốc Casumina tỏ ra thận trọng với hoạt động xuất khẩu, đồng thời chia sẻ quyết tâm phát triển thị trường nội địa trong năm 2025.

Được biết, trong năm 2024, Casumina đã duy trì doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 45% tổng doanh thu. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ.

Có thể thấy, Casumina vẫn đang đi tìm động lực tăng trưởng khi thuộc nhóm doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh thấp trong ngành, đồng thời đang chịu áp lực cạnh tranh khi các doanh nghiệp săm lốp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa có xu hướng quan tâm hơn tới thị trường nội địa để bù đắp hoạt động xuất khẩu khó khăn, từ đó tăng áp lực cạnh tranh với sản phẩm của Casumina tại thị trường nội địa.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nghich-ly-doanh-nghiep-nganh-san-xuat-sam-lop-d329712.html