Từ cú hích sáp nhập, TP.HCM đứng trước cơ hội tái thiết công nghiệp liên vùng

Sau sáp nhập, TP.HCM có cơ hội định vị lại vai trò trung tâm công nghiệp liên vùng phía Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả không gian mới, Thành phố cần chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện, gắn quy hoạch vùng, công nghiệp hỗ trợ, nhân lực kỹ năng cao và tài chính xanh.

Việc mở rộng địa giới hành chính đưa TP.HCM trở thành siêu đô thị với quy mô hơn 6.700 km² đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về tái cấu trúc công nghiệp theo hướng tích hợp không gian, chức năng và chuỗi giá trị. Không còn là bài toán mở rộng diện tích sản xuất đơn thuần, giai đoạn này buộc Thành phố phải xác lập lại vị trí trung tâm điều phối chiến lược trong chuỗi công nghiệp khu vực phía Nam, trong không gian phát triển mới gồm cả các khu vực công nghiệp - logistics từng thuộc Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Toàn cảnh tạo đàm

Toàn cảnh tạo đàm

Tuy nhiên, để hiện thực hóa vai trò mới này, TP.HCM phải đối diện và tháo gỡ hàng loạt điểm nghẽn tồn tại dai dẳng nhiều năm như quy hoạch phân tán, công nghiệp hỗ trợ yếu, năng suất thấp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh - số, và thiếu các cơ chế tài chính linh hoạt. Những hạn chế đó cho thấy một chiến lược phát triển công nghiệp mới là điều không thể trì hoãn.

Cần một chiến lược tích hợp toàn vùng

Trong gần hai thập kỷ qua, TP.HCM phát triển công nghiệp trong không gian chật hẹp, thiếu quy hoạch chuyên ngành, dẫn đến xung đột giữa nhu cầu công nghiệp và đô thị hóa. Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ mở rộng diện tích mà còn tích hợp các không gian công nghiệp trọng điểm vốn trước đây thuộc Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đang mở ra cơ hội hình thành một vành đai công nghiệp - logistics mới. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi thế này, Thành phố cần một chiến lược phát triển toàn diện với tầm nhìn vùng..

Chia sẻ tại tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM: Từ tiềm năng đến hành động” do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hôm nay (17/7/2025), ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhấn mạnh rằng để khẳng định vai trò trung tâm sản xuất quốc gia, TP.HCM cần phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng, song song với đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông cho rằng chiến lược công nghiệp mới phải kết nối chặt với định hướng chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, TP.HCM cần phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng, song song với đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, TP.HCM cần phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng, song song với đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đồng quan điểm về yêu cầu tái cấu trúc toàn diện, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng công nghiệp TP.HCM muốn tăng trưởng bền vững thì phải thoát khỏi mô hình sản xuất gia công, bằng cách nâng tỷ trọng giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm. Theo ông, cần đánh giá lại toàn bộ hệ thống ngành nghề hiện có, đồng thời triển khai khu công nghiệp thương mại tự do tại Cái Mép - Thị Vải để đón đầu chuỗi cung ứng mới toàn cầu.

Một chiến lược quy hoạch tích hợp sẽ cho phép TP.HCM giữ vai trò là "bộ não" điều phối, với các chức năng thiết kế, R&D, logistics và trung tâm kiểm định. Trong khi đó, các khu vực mới được sáp nhập từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đảm nhiệm các mắt xích sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đây là mô hình “chuỗi giá trị phân tán nhưng tích hợp”, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp xanh, thông minh trên thế giới.

Công nghiệp hỗ trợ: Mắt xích yếu cần cơ chế đặc thù

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM như dệt may, điện tử, cơ khí vẫn ở mức thấp, do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân cốt lõi nằm ở sự thiếu vắng của một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ thực sự, có khả năng cung cấp vật tư, linh kiện, dịch vụ kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần triển khai khu công nghiệp thương mại tự do tại Cái Mép - Thị Vải để đón đầu chuỗi cung ứng mới toàn cầu

TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần triển khai khu công nghiệp thương mại tự do tại Cái Mép - Thị Vải để đón đầu chuỗi cung ứng mới toàn cầu

Ông Võ Sơn Điền - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ tỉnh Bình Dương (cũ) (BASI), nhận định rằng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại khu vực phía Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực tài chính yếu, không đủ khả năng tiếp cận công nghệ hoặc các chứng nhận kỹ thuật quốc tế. Việc thiếu cơ chế hỗ trợ riêng khiến công nghiệp hỗ trợ phát triển tự phát, rời rạc, và không thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ thực tế này, ông Điền đề xuất TP.HCM cần có một nghị quyết riêng cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó cho phép thành lập quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ tài chính mồi cho các dự án trọng điểm, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp chuyên ngành có tích hợp trung tâm kiểm định chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần phát triển các “vườn ươm” cho khởi nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các thị trường khó tính và tham gia các chương trình mua sắm công trong lĩnh vực hạ tầng.

Mở rộng hơn, bà Lý Kim Chi - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng để phát triển toàn bộ chuỗi ngành thực phẩm, vốn là ngành có thế mạnh của Thành phố, cần quy hoạch lại hệ thống khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, ưu tiên bố trí tại những địa bàn có quỹ đất sạch, hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn, và kết nối thuận tiện với vùng nguyên liệu. Bà cũng đề xuất TP.HCM đầu tư mạnh vào các trung tâm logistics lạnh tại cảng Cái Mép - Thị Vải, phù hợp với định hướng nơi đây trở thành trung tâm hậu cần quốc tế.

Hai điểm nghẽn cần chính sách đột phá

Bên cạnh vấn đề quy hoạch và chuỗi cung ứng, một điểm nghẽn quan trọng khác là thiếu hụt lao động kỹ năng cao. Trong khi nhiều nhà máy đã đầu tư vào dây chuyền tự động và số hóa nhưng lại thiếu nhân lực có khả năng vận hành thiết bị, xử lý dữ liệu sản xuất và kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Dệt may - Thời trang TP.HCM cho rằng mô hình đào tạo nghề cần được chuyển đổi sang cơ chế phối hợp ba bên: doanh nghiệp đặt hàng kỹ năng, trường nghề đào tạo, nhà nước tài trợ. Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng một trung tâm kỹ năng công nghiệp xanh và số hóa tại vùng giáp ranh TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đang có dòng dịch chuyển lao động mạnh và nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật cao liên tục tăng.

Ngoài nhân lực, một thách thức khác đang cản trở doanh nghiệp chuyển đổi xanh là thiếu cơ chế tài chính phù hợp. Dù nhiều doanh nghiệp có mong muốn cải tiến dây chuyền, ứng dụng công nghệ sạch, nhưng tiếp cận tín dụng vẫn bị rào cản bởi yêu cầu tài sản thế chấp hoặc điểm tín dụng truyền thống. Ông Việt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần triển khai thử nghiệm gói tín dụng xanh chuyên biệt cho các ngành công nghiệp nền tảng như dệt may, thực phẩm, hóa chất, trong đó tiêu chí đánh giá dựa trên chuẩn ESG thay vì tài sản hữu hình.

Bà Lý Kim Chi cũng chỉ ra một rào cản hành chính đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp: việc cập nhật địa chỉ hành chính mới trên bao bì, hồ sơ chứng nhận và thủ tục xuất khẩu sau sáp nhập. Theo bà, cần ban hành ngay hướng dẫn chuyển tiếp linh hoạt, công nhận tính pháp lý liên tục giữa địa chỉ cũ và mới để tránh nguy cơ vi phạm hoặc chậm trễ thương mại quốc tế.

TP.HCM đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển công nghiệp. Không gian mới sau sáp nhập là cơ hội để Thành phố chuyển mình từ một trung tâm sản xuất đơn lẻ sang trung tâm điều phối chiến lược chuỗi công nghiệp toàn vùng kinh tế phía Nam. Tuy nhiên, để thực sự trở thành “bộ não công nghiệp” của cả vùng, Thành phố cần một chiến lược hành động rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn, cơ chế riêng và khả năng thực thi quyết liệt.

Các doanh nghiệp rất quan tâm đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp của TP.HCM mới

Các doanh nghiệp rất quan tâm đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp của TP.HCM mới

Nếu có thể quy hoạch lại không gian sản xuất theo chuỗi giá trị, phục hồi hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhân lực kỹ năng cao và tạo điều kiện tiếp cận tín dụng xanh, TP.HCM hoàn toàn có thể khẳng định vai trò đầu tàu công nghiệp - không chỉ trong nước, mà cả trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kim Loan

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tu-cu-hich-sap-nhap-tp-hcm-dung-truoc-co-hoi-tai-thiet-cong-nghiep-lien-vung-320066.html