Nghịch lý giá vàng tăng sau khi đấu thầu

Từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới cùng có xu hướng tăng. Tuy nhiên có 2 giai đoạn giá vàng trong nước 'một mình một đường' đi lên, bất chấp giá vàng thế giới đang đi ngang. Điều này đã nới rộng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng miếng thì giá vàng bỗng bứt tốc 'phi mã'.

Giá vàng tăng "điên cuồng"

Gần 10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12/4/2024). Trong nước, 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%, thậm chí “điên cuồng” trồi sụt điều chỉnh giá liên tục trong một ngày.

Chênh lệch giá vàng từng có thời gian được kiểm soát rất tốt, đồng pha với giá vàng thế giới. Ví dụ như giai đoạn 2016-2019 là giai đoạn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gần như bằng 0. Giai đoạn 2019-2020 giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và giá vàng trong nước tăng theo tương ứng, chênh lệch giá vàng vẫn không đáng kể.

Nhưng cũng có những giai đoạn chênh lệch rất cao. Giai đoạn 2014-2015, vàng trong nước cao 10%-20% giá vàng thế giới dù đã nhập tới 74 tấn vàng. Giai đoạn 2021-2024 là giai đoạn chênh lệch giá vàng bắt đầu mất kiểm soát. Từ 8/2023 đến nay giá vàng trong nước và thế giới cùng có xu hướng tăng, tuy nhiên có 2 giai đoạn giá vàng trong nước tăng trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng lên 32% và 26%.

Giai đoạn 2021-2024 là giai đoạn chênh lệch giá vàng bắt đầu mất kiểm soát. (Ảnh minh họa: BT)

Giai đoạn 2021-2024 là giai đoạn chênh lệch giá vàng bắt đầu mất kiểm soát. (Ảnh minh họa: BT)

Tại phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định" diễn ra sáng 17/5 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" có nhiều nguyên do: Nền lãi suất thấp là yếu tố dễ hình thành các yếu tố bong bóng, yếu tố đầu cơ cao, đẩy giá vàng tăng vọt; do tâm lý, giá vàng tăng thì lại nhiều người thi nhau mua vàng, mặc dù nhiều người không hề có kinh nghiệm phân tích về thị trường này.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng ở góc độ nào đó, việc đấu thầu vàng miếng là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn. Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá vàng trong nước đi xuống khi đơn vị đấu giá nào trả cao nhất sẽ trúng thầu. Như vậy, giá trúng thầu đã cao thì bán ra thị trường cũng sẽ cao. Vô hình chung đẩy giá trị trường lên. Để việc đấu thầu đạt mục tiêu, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, độc quyền vàng miếng SJC là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng. Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, trên thế giới, vàng được coi là một loại hàng hóa rất bình thường. Nhưng ở Việt Nam, vàng trở nên “bí hiểm” khiến không ít thời điểm thị trường hoảng loạn vì vàng.

Bên cạnh đó, lãi suất thấp, kênh chứng khoán và bất động sản đều trầm lắng, nương theo giá vàng thế giới thì vàng trong nước rất dễ tạo sóng.

Làm gì để cầm cương giá vàng?

Cần định rõ vàng là loại tiền tệ hay là hàng hóa. (Ảnh minh họa: BT)

Cần định rõ vàng là loại tiền tệ hay là hàng hóa. (Ảnh minh họa: BT)

Trong thời gian qua, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường vàng. Để tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành các phiên đấu thầu vàng miếng SJC nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng "cơn sốt" vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang diễn ra ở mức vô lý. Không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu mua vàng mà chênh lệch giá vàng vẫn tăng.

Từ thực tế kể trên, các chuyên gia cho rằng, việc giảm giá vàng không chỉ dựa vào nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn. Hành động này sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết. Các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá... là các biện pháp sẽ không tốn dự trữ ngoại hối nhưng có thể mang tới hiệu quả cao tức thì đối với thị trường vàng ở thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia cũng đề xuất bỏ sản xuất vàng miếng và độc quyền vàng, trả lại thương hiệu vàng miếng cho SJC. Như vậy, thị trường vàng sẽ trở lại bình thường, thương hiệu SJC cũng giống như các thương hiệu khác và giá sẽ không còn chênh lệch vài triệu đồng như hiện nay.

Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng. Đồng thời, cần định rõ vàng là loại tiền tệ hay là hàng hóa thì mới có thể đưa ra phương án chính xác quản lý thị trường vàng.

Hôm nay, giá vàng trong nước biến động nhẹ quanh mức 90 triệu đồng/lượng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.375,5 USD/ounce (tương đương gần 73 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghich-ly-gia-vang-tang-sau-khi-dau-thau-170840.html