Nghịch lý: Hàng tỷ thực phẩm bị lãng phí trong khi 783 triệu người đối mặt với nạn đói
Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy, thế giới đang lãng phí khoảng 19% lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu, tương đương khoảng 1,05 tỷ tấn.
Một tỷ bữa ăn bị lãng phí mỗi ngày
Báo cáo Chỉ số Chất thải thực phẩm do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Chương trình hành động về tài nguyên và rác thải, một tổ chức từ thiện quốc tế, cùng tiến hành hàng năm nhằm theo dõi tiến trình các quốc gia giảm một nửa chất thải thực phẩm vào năm 2030.
Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết số lượng quốc gia báo cáo về chỉ số này tăng gần gấp đôi so với báo cáo đầu tiên vào năm 2021. Báo cáo năm 2021 ước tính rằng 17% thực phẩm sản xuất trên toàn cầu vào năm 2019, tương đương 931 triệu tấn (1,03 tỷ tấn), đã bị lãng phí, nhưng các tác giả cảnh báo không nên so sánh trực tiếp vì thiếu dữ liệu đầy đủ từ nhiều quốc gia.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu quốc gia về hộ gia đình, dịch vụ thực phẩm và nhà bán lẻ. Họ phát hiện ra rằng mỗi người lãng phí khoảng 79 kg (khoảng 174 pound) thực phẩm mỗi năm, tương đương với ít nhất 1 tỷ bữa ăn bị lãng phí mỗi ngày trên toàn thế giới.
Hầu hết rác thải, khoảng 60%, đến từ các hộ gia đình. Khoảng 28% đến từ dịch vụ ăn uống hoặc nhà hàng, và khoảng 12% đến từ các nhà bán lẻ.
Báo cáo được đưa ra vào thời điểm 783 triệu người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói kinh niên và nhiều nơi đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng. Chiến tranh Israel-Hamas và bạo lực ở Haiti đã khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, khi các chuyên gia cho rằng nạn đói sắp xảy ra ở phía bắc Gaza và đang đến gần ở Haiti.
Fadila Jumare, một cộng tác viên dự án có trụ sở tại Nigeria, người đã nghiên cứu về công tác ngăn ngừa lãng phí thực phẩm ở Kenya và Nigeria, cho biết tình trạng lãng phí thực phẩm sẽ càng gây bất lợi cho những đối tượng vốn đã không bảo đảm về thực phẩm và không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh. “Đối với nhân loại, lãng phí thực phẩm có nghĩa là những người nghèo nhất càng trở nên đói kém”, Fadila Jumare cho biết.
Lãng phí là vấn đề toàn cầu
Các tác giả của báo cáo cho biết họ phát hiện ra rằng sự khác biệt về lượng rác thải thực phẩm bình quân đầu người trong hộ gia đình giữa các quốc gia có thu nhập cao và các quốc gia có thu nhập thấp hoàn toàn không có cách biệt lớn. Điều đó cho thấy lãng phí thực phẩm “không phải là vấn đề của thế giới giàu có. Đó là một vấn đề toàn cầu”.
Một trong số tác giả của báo cáo cho biết: “Dữ liệu nghiên cứu cho thấy đây là một vấn đề toàn cầu và là một vấn đề mà tất cả chúng ta có thể giải quyết vào ngày mai để tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến môi trường”.
Lãng phí thực phẩm và những tổn thất về môi trường
Lãng phí thực phẩm cũng là mối lo ngại toàn cầu vì những tổn thất về môi trường trong quá trình sản xuất, bao gồm đất và nước cần thiết để trồng trọt và chăn nuôi cũng như lượng phát thải khí nhà kính do quá trình đó tạo ra, bao gồm cả khí mê-tan, một loại khí mạnh là nguyên nhân gây ra khoảng 30% hiện tượng nóng lên toàn cầu từ thời tiền công nghiệp.
Thất thoát và lãng phí lương thực tạo ra 8 đến 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, một con số chỉ đứng sau lượng phát thải của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Làm thế nào để hạn chế lãng phí thực phẩm?
Brian Roe, một nhà nghiên cứu về chất thải thực phẩm tại Đại học bang Ohio, người không tham gia vào báo cáo, cho rằng việc điều tra chỉ số này rất quan trọng để giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm.
“Điểm mấu chốt là tìm cách giảm lượng thực phẩm bị lãng phí là một con đường có thể dẫn đến nhiều hiệu quả tích cực chẳng hạn như tăng cường bảo tồn tài nguyên, ít thiệt hại về môi trường hơn, an ninh lương thực tốt hơn và có nhiều đất hơn cho các mục đích sử dụng khác ngoài bãi chôn lấp và sản xuất lương thực”, ông Brain Roe cho biết.
Các tác giả báo cáo cho biết, nghiên cứu cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý về mức độ bao phủ chất thải thực phẩm ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, họ cho rằng các quốc gia giàu có hơn có thể dẫn đầu trong hợp tác quốc tế và phát triển chính sách nhằm giảm lãng phí thực phẩm.
Báo cáo cho biết nhiều chính phủ, khu vực và các nhóm ngành đang sử dụng quan hệ đối tác công-tư để giảm lãng phí thực phẩm và những đóng góp của mối quan hệ này trong quá trình giải quyết những thách thức về khí hậu và nước. Chính phủ trung ương và địa phương cộng tác với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm, theo đó các doanh nghiệp cam kết đo lường chất thải thực phẩm.
Báo cáo cho biết việc phân phối lại thực phẩm - bao gồm quyên góp thực phẩm dư thừa cho các ngân hàng thực phẩm và tổ chức từ thiện - có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm giữa các nhà bán lẻ.
Mô hình ngân hàng thực phẩm
Mô hình này đang được áp dụng hiệu quả tại Ngân hàng Thực phẩm Kenya, một tổ chức phi lợi nhuận nhận thực phẩm dư thừa từ các trang trại, chợ, siêu thị và nhà đóng gói rồi phân phối lại cho học sinh và những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Lãng phí thực phẩm đang là mối lo ngại ngày càng tăng ở Kenya, nơi ước tính có khoảng 4,45 triệu tấn (khoảng 4,9 triệu tấn) thực phẩm bị lãng phí mỗi năm.
John Gathungu, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm cho biết: “Cách làm của chúng tôi mang lại tác động tích cực cho xã hội bằng cách cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho người thiếu thốn và cũng tác động tích cực đến môi trường bằng cách giúp giảm phát thải”.