Nghịch lý khiến Fed đau đầu

Thị trường việc làm vẫn chống chịu tốt, thu nhập tăng nhanh là tin tốt với người lao động Mỹ. Nhưng điều này khiến bài toán lạm phát của Fed trở nên nan giải hơn.

Theo CNN, lạm phát, lãi suất tăng cao và ngành ngân hàng Mỹ đang rơi vào hỗn loạn. Nhưng thị trường lao động của Mỹ vẫn chống chịu tốt. Dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nước này đã bổ sung 253.000 việc làm trong tháng 4.

Con số này lớn hơn nhiều dự báo của giới quan sát.

Tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chiến dịch chống lạm phát. Thời điểm đó, một trong những mối lo ngại lớn nhất là bao nhiêu người Mỹ có thể mất việc làm.

Lãi suất tăng lên sẽ hạ nhiệt nhu cầu và giá cả, từ đó kìm hãm thị trường lao động của Mỹ vốn đang tăng trưởng rất nhanh. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp kỷ lục là 3,6%.

14 tháng sau đó, Fed tăng lãi suất tổng cộng 5 điểm phần trăm, nhưng nền kinh tế vẫn có thêm 250.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống 3,4%.

 Bất chấp các đợt tăng lãi suất dồn dập, thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ. Ảnh: Reuters.

Bất chấp các đợt tăng lãi suất dồn dập, thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ. Ảnh: Reuters.

"Không thể cản phá"

"Nói chung, thị trường việc làm của Mỹ đang ở trạng thái 'không thể cản phá'", CNN dẫn lời chuyên gia kinh tế Joseph Brusuelas của RSM bình luận. Ông cho rằng người ta không thể ngăn cản, mà chỉ hy vọng có thể kìm hãm được nó.

Đối với người lao động, đó là một tin tốt. Cơ hội việc làm đang rộng mở và họ dễ dàng tìm kiếm được một công việc mong muốn.

Tăng trưởng việc làm trong tháng 4 mạnh hơn dự báo. Nhưng báo cáo chỉ ra trong tháng 2 và tháng 3, số lượng việc làm mới trên thực tế giảm tổng cộng 149.000 việc làm so với ước tính.

Như vậy, tăng trưởng việc làm trong quý đầu năm đạt trung bình 222.000 việc làm mỗi tháng, cao hơn mức trung bình trong giai đoạn trước dịch, nhưng vẫn giảm mạnh so với 2 năm qua.

Nói chung, thị trường việc làm của Mỹ đang ở trạng thái "không thể cản phá"

Chuyên gia kinh tế Joseph Brusuelas của RSM

Trong năm 2021 và 2022, tốc độ tăng trưởng việc làm hàng tháng đạt lần lượt 606.000 việc làm và 399.000 việc làm.

"Thị trường lao động đã chậm lại, đó là tin tốt đối với cuộc chiến chống lạm phát", ông Gus Faucher - chuyên gia kinh tế trưởng tại PNC Financial Services Group - nhận định.

"Các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách tuyển dụng, nhu cầu còn mạnh, nhưng đã giảm so với hồi cuối năm ngoái. Với doanh nghiệp, việc tìm kiếm nhân sự giờ trở nên dễ dàng hơn chút ít", ông nói thêm.

Với sức chống chịu mạnh mẽ của thị trường lao động, Fed có thể hạ nhiệt lạm phát mà không đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp và gây ra một cuộc suy thoái.

Điều này làm dấy lên hy vọng về một cú "tiếp đất an toàn", với tốc độ tăng trưởng việc làm giảm về mức bền vững hơn.

Tiền lương vẫn tăng nhanh

Nhưng Fed vẫn còn một vấn đề cần chú ý. Theo báo cáo việc làm, thu nhập trung bình của người lao động Mỹ đã tăng 0,16 USD/giờ, tương đương 0,5% lên 33,36 USD/giờ trong tháng 4. Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022.

So với một năm trước đó, thu nhập của người Mỹ vẫn tăng 4,4%. Chi phí lao động tăng cao có thể tạo thêm áp lực cho lạm phát, tạo nên vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.

"Tiền lương gia tăng là tin tốt đối với chi tiêu tiêu dùng và nền kinh tế. Nhưng từ góc độ của Fed, đó là một rào cản", ông Scott Anderson - nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West - lưu ý.

"Tăng trưởng tiền lương và việc làm càng kéo dài, Fed sẽ càng phải duy trì các chính sách thắt chặt lâu hơn, và khả năng xảy ra một cuộc suy thoái ngay trong năm nay càng lớn", ông cảnh báo.

Từ giờ tới cuộc họp chính sách tháng 6, Fed sẽ còn phải theo dõi thêm nhiều dữ liệu. Một số báo cáo kinh tế quan trọng sắp được công bố trong tuần tới, bao gồm báo cáo về hoạt động tín dụng, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất.

Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp các quan chức Quốc hội Mỹ để thảo luận về việc nới trần nợ công.

Mới đây, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - tiết lộ rằng theo ước tính chính xác nhất của cơ quan này, Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với việc nâng trần nợ khẩn cấp.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-khien-fed-dau-dau-post1428815.html