Nghịch lý người trẻ hôn nhân già, và nhiều người già hôn nhân rất trẻ
Nhiều cặp vợ chồng trẻ thân ai nấy lo nên không còn xúc cảm yêu đương lãng mạn khiến cuộc hôn nhân sớm già. Và có nhiều cặp vợ chồng già thể xác, nhưng những cảm giác yêu thương tình cảm giúp cuộc hôn nhân trẻ lâu.
Cuối tuần, vợ chồng chúng tôi chở nhau đi ăn sáng ở một quán cà phê mới mở trên con đường quen thuộc vẫn qua lại mỗi ngày. Hình như quán cà phê đó dành cho các cặp tình nhân thì phải, nên quán trang trí khá lãng mạn, ngọt ngào.
Trong lúc chờ phục vụ tôi thấy tiếng cười rúc rích của mấy bạn trẻ hướng về cặp vợ chồng già ở bàn bên trò chuyện, quân tâm săn sóc nhau. Ông bà xưng hô anh em ngọt xớt, có những cử chỉ thể hiện tình cảm rất hạnh phúc. Các cụ chỉ già hình thể, nhưng cuộc hôn nhân của các cụ có còn đó những cảm giác rất trẻ trung.
Vợ chồng tôi làm quen và khen hai cụ hạnh phúc. Các cụ cười móm mém, vui vẻ bảo ngày nay có nhiều cặp vợ chồng già hạnh phúc lắm. Rồi cụ mở Ipad thành thạo vuốt nhanh tới một bài báo viết về cụ Cao Viễn, 106 tuổi và vợ là cụ Vũ Thị Hai, 100 tuổi ở làng Phượng Lịch (xóm 2, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã giành kỷ lục "Cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam".
Cụ ông bảo, hai cụ này "trăm năm đầu bạc răng long" nhưng vẫn vẹn nguyên tình cảm, chăm sóc và quan tâm nhau như thuở ban đầu. Hai cụ ấy có 3 con trai, 5 gái, 34 cháu nội, ngoại và nhiều chắt và luôn tâm niệm: "Muốn con cháu hiếu thảo, học hành giỏi, đạo đức tốt thì trước hết, cha mẹ phải là tấm gương soi". Hai cụ hơn trăm tuổi nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, thích đọc báo, nghe đài, sống vô tư, chân thật, hòa hợp, vui vẻ với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và đặc biệt là chăm tập thể dục.
Cụ ông nhanh nhẹn vuốt tiếp Ipad cho tôi xem bài báo về cặp vợ chồng già ở Hoài Đức (Hà Nội) là ông Nguyễn Chí Dưỡng (98 tuổi) và vợ là Hoàng Thị Cẩm (85 tuổi) sống chung tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội. Cuộc đời họ đi qua 3 cuộc kháng chiến cứu nước, cùng chia ngọt sẻ bùi qua muôn vàn sóng gió cuộc đời, về già dành trọn tình yêu thương, trân trọng, chăm sóc và quan tâm nhau như thời còn trẻ khiến con cháu kính trọng, bạn bè ngưỡng mộ.
Ông bà có đủ con cháu, nhưng thích được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, không muốn làm phiền ai nên vào viện dưỡng lão để an hưởng tuổi già. Các cụ vẫn xưng hô "anh, em" và luôn thể hiện tình cảm yêu thương, hạnh phúc. Tới giờ ăn họ lại gọi nhau cùng đi, khi một trong 2 người có vấn đề gì về sức khỏe là người kia ngay lập tức gọi nhân viên chăm sóc sức khỏe...
Bà thuộc hết từng sở thích của ông như chụp ảnh, viết rất đẹp và có năng khiếu trong công tác xã hội. Ông thích đọc sách, kể chuyện, lần dở từng tập ảnh lưu niệm cho bà xem, nhiều tấm ảnh ông còn tự tay viết chú thích với nét chữ ngay ngắn, khá đẹp...
Trước khi chia tay, cụ ông còn đọc cho vợ chồng tôi nghe mấy câu thơ:
"Mây đầy tóc và kỷ niệm hằn nếp gấp trên da
Mắt có thể mờ lòa nhìn em chả rõ
(Nên chỉ thấy em của hồi xưa cũ)
Ta có thể nhớ nhớ quên quên
Anh gọi em là "em yêu" vì anh đã quên tên em từ lâu lắc
Tai lãng rồi nên chả cần thắc mắc
Ta hỏi nhau rồi sẽ tự trả lời
...Hãy sống cho nhau để không bao giờ tiếc nuối
Nhìn hai cụ chầm chậm dắt nhau ra khỏi quán, tôi nghĩ hôn nhân của các cụ thật hạnh phúc, trẻ trung. Trong khi đó có rất nhiều cặp vợ chồng tuổi trẻ, hình tướng trẻ, nhưng gánh nặng mưu sinh, trách nhiệm với gia đình, xã hội, hay vì những ham mê cá nhân... đã làm cuộc hôn nhân của họ sớm già, chưa kể nhiều cặp sống với nhau 10 - 20 năm nhưng là thân ai nấy lo, không còn cảm giác yêu đương lãng mạn, hạnh phúc nữa.
Vợ tôi cũng nhìn xa xăm rồi cất tiếng hỏi:
- Anh ơi, hôn nhân của mình đã già chưa?
Tôi cười đáp ngay:
- Hôn nhân của chúng mình đang non trẻ lắm, còn tươi mới chán em ơi!
Sau đó, mỗi người chúng tôi quay trở lại với thế giới riêng của mình qua chiếc điện thoại. Lướt lướt một lúc, tôi ngẩng lên nhìn quanh thấy những cặp tình nhân trẻ đang tay trong tay, vai kề vai, mắt đắm chìm trong mắt… quên mọi thứ xung quanh bởi thế giới của họ nằm trong mắt nhau.
Nhưng... tôi bỗng giật mình khi nhớ lại câu trả lời vừa rồi với vợ. Tôi nhận ra, hôn nhân của chúng tôi sao có thể còn tươi trẻ được. Bởi cái cảm giác cứ muốn lăn xả vào nhau nay còn đâu? Cảm giác háo hức của buổi hẹn hò nay còn đâu? Cảm giác thân mật muốn chạm vào nhau nay còn đâu? Cảm giác tò mò muốn khám phá về nhau nay còn đâu? Cảm giác luôn muốn sáng tạo trong tình yêu nay còn đâu?... Cũng không nhớ đã bao lâu rồi tôi lãng quên mong muốn tạo một khởi đầu mới với "nửa quả táo" của mình để cuộc hôn nhân thêm tươi trẻ.
Vợ chồng già hạnh phúc nhờ cộng vào nhau cái ân, cái nghĩa, cái tình, cái yêu thương. Họ có thể quên đã cưới nhau bao nhiêu năm, nhưng luôn nhớ bạn đời thích gì, nghĩ gì, muốn gì, mong gì… Đôi tay có run, nhưng đầy hơi ấm, chân có thể phải dùng ba toong nhưng "cái ba toong xịn nhất" vẫn là chồng, là vợ của mình.
Hạnh phúc luôn được tìm thấy trên đường đi, chứ không phải là đích đến. Tuổi tác có thể làm cho chúng ta già đi, nhưng cuộc hôn nhân có thể trẻ mãi. Quan trọng là chúng ta có thật sự mong muốn, có dám dành thời gian cho nhau, có làm mọi việc vì nhau... để cuộc hôn nhân trẻ mãi hay không.
Nguyễn Đức Quỳnh
Chuyên gia tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình