Nghịch lý ở EU

Để ưu tiên cho mục tiêu cấp bách hiện nay là phục hồi kinh tế sau đại dịch, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch giảm mạnh ngân sách cho ngành y tế dù khu vực này đang đối mặt với tình trạng thiếu dược phẩm ngày càng nghiêm trọng do dịch Covid-19.

Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách dài hạn lên tới hơn 1.800 tỷ euro, gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro. Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế-xã hội do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu mới đây đã tán thành nghị quyết yêu cầu thay đổi dự thảo ngân sách dài hạn bởi cho rằng dự thảo này bao gồm các khoản cắt giảm bất hợp lý. Một trong những khoản bất hợp lý được đề cập tới là kế hoạch cắt giảm tới 80% ngân sách y tế của EU. Nếu theo kế hoạch này, ngân sách thông thường cho lĩnh vực y tế của khối sẽ giảm mạnh từ 9,4 tỷ euro xuống chỉ còn 1,7 tỷ euro trong giai đoạn 7 năm tới.

 Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện của Pháp. Ảnh: Reuters

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện của Pháp. Ảnh: Reuters

Điều đáng nói là hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Thậm chí, một số nước EU vẫn đang chứng kiến sự gia tăng nhanh của những ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại Pháp, ngày 24-7, Bộ Y tế thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.062 ca nhiễm mới và 10 ổ dịch Covid-19 chỉ trong vòng một ngày, đồng thời nhấn mạnh số ca nhiễm mới tại nước này đang có xu hướng tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia EU khác như: Bỉ, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng không khả quan hơn. Số ca mắc mới Covid-19 tại Bỉ đang ngày một tăng, với tỷ lệ số ca mắc mới mỗi tuần tăng tới 89%. Trong bối cảnh này, kế hoạch cắt giảm mạnh ngân sách y tế thực sự gây ra mối lo ngại về khả năng ứng phó của EU trong trường hợp bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

Sở hữu hệ thống y tế bậc nhất thế giới nhưng EU cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Nhiều người cho rằng, đại dịch đã phơi bày những “lỗ hổng” y tế của EU mà một trong số đó là tình trạng khan hiếm thuốc. Lâu nay, các nước EU thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu các loại dược phẩm quan trọng như thuốc kháng sinh và vaccine. Theo Hiệp hội Dược phẩm EU (PGEU), kết quả cuộc khảo sát được thực hiện tại 24 quốc gia thành viên EU hồi cuối năm ngoái cho thấy toàn bộ các quốc gia này đều trải qua tình trạng thiếu hụt thuốc chữa bệnh trong năm 2019, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh về đường hô hấp.

Vấn đề này thậm chí còn trầm trọng hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây gián đoạn nguồn cung cấp thuốc cho châu Âu, đẩy khu vực vốn đã khan thuốc này đứng trước nguy cơ "tay không bắt giặc", bởi thuốc men và thiết bị bảo hộ y tế đều trở thành hàng hiếm. Theo nguồn tin Reuters, một tài liệu nội bộ của EU đã cho thấy trong tháng 4 vừa qua, liên minh này thiếu khoảng 100 loại dược phẩm dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các quốc gia thành viên. Trong số các dược phẩm không sẵn có hoặc có nguy cơ thiếu tại phần lớn các nước EU phải kể tới các loại thuốc giảm đau, gây mê, thuốc giãn cơ, kháng sinh... Các loại thuốc này chủ yếu được sử dụng trong phác đồ điều trị đối với những bệnh nhân Covid-19 nặng.

Để lấp “lỗ hổng” dược phẩm ngày càng nghiêm trọng, Ủy ban châu Âu từng đề xuất lập một ngân sách y tế chung trong giai đoạn 7 năm có trị giá 9,4 tỷ euro. EU cũng đề ra các ưu đãi tài chính để các nhà sản xuất dược phẩm chuyển một số nhà máy từ châu Á sang châu Âu. Tuy nhiên, với kế hoạch cắt giảm mạnh ngân sách y tế mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra, phương án lấp “lỗ hổng” nói trên khả năng sẽ phải điều chỉnh lại.

Ở thời điểm mà thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đều đang tăng tốc hướng tới mục tiêu phục hồi nền kinh tế bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, việc cân bằng giữa phòng, chống dịch bệnh và giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế-xã hội vẫn là bài toán khó với nhiều quốc gia. Song, cần phải nhớ rằng nỗ lực chấn hưng kinh tế sẽ trở nên vô nghĩa nếu dịch bệnh tái bùng phát, đẩy các quốc gia vào một vòng xoáy khủng hoảng mới. Cân bằng giữa giải pháp về nền kinh tế với đầu tư đúng mức cho lĩnh vực y tế sẽ là lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nghich-ly-o-eu-629007