Nghịch lý quốc gia dạy tiếng Anh hơn 150 năm nhưng trình độ rất thấp

AI CẬP - Mặc dù đã dạy tiếng Anh suốt hơn 150 năm qua nhưng Ai Cập vẫn có mức độ thành thạo tiếng Anh thấp khi khoảng cách giữa việc giảng dạy và khả năng ứng dụng thực tế của người dân còn khá lớn.

Giáo dục tiếng Anh ở Ai Cập bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 19. Những biến động chính trị và xã hội đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến vị trí của tiếng Anh như một ngoại ngữ trong các trường học Ai Cập.

Sự chiếm đóng của các đế quốc lớn đã “du nhập” làn sóng các ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và Ý vào hệ thống giáo dục quốc gia Bắc Phi này.

Giáo dục tiếng Anh ở Ai Cập bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 19. Ảnh: Afalebanon.org

Giáo dục tiếng Anh ở Ai Cập bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 19. Ảnh: Afalebanon.org

Đế chế Ottoman cai trị Ai Cập từ thế kỷ 16 và đưa tiếng Thổ Nhĩ Kỳ vào các cơ quan chính quyền. Sau đó, sự xâm lược của Pháp (1798-1801) khiến tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính của giới trí thức.

Sau khi Anh chiếm đóng Ai Cập vào những năm 1880, tiếng Anh đã dần thay thế tiếng Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành ngoại ngữ được giảng dạy rộng rãi thứ hai, trong khi tiếng Pháp vẫn giữ vị trí dẫn đầu cho đến khi tiếng Anh hoàn toàn chiếm ưu thế vào đầu thế kỷ 20.

Tiếng Anh không được đại bộ phận dân chúng đón nhận và thường bị xem như biểu tượng của sự áp bức thuộc địa.

Tuy nhiên, thái độ của người Ai Cập đối với tiếng Anh đã dần thay đổi, từ việc coi nó là "một thứ cần thiết nhưng bất đắc dĩ trong thời kỳ thuộc địa Anh" thành "một công cụ thiết yếu để thăng tiến trong giáo dục, kinh tế và xã hội", theo nghiên cứu của Imhoof đăng trên Tạp chí English around the World của Đại học Cambridge (Anh).

Kể từ đó, tiếng Anh đã trở thành ngoại ngữ chính thức được giảng dạy tại các trường học ở Ai Cập. Hiện nay, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ cấp tiểu học cho đến cấp trung học phổ thông.

Nghịch lý trình độ thấp

Hiến pháp Ai Cập, đặc biệt là phiên bản năm 2014, chỉ định tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức của đất nước. Mặc dù không được công nhận trong Hiến pháp nhưng tiếng Anh giữ một vị trí quan trọng trong nhiều khía cạnh của quốc gia này.

Dù có lịch sử lâu đời và được giảng dạy rộng rãi, trình độ tiếng Anh ở Ai Cập vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt khi so sánh với các tiêu chuẩn toàn cầu.

Nhiều yếu tố góp phần vào thực trạng này, trong đó chủ yếu là chất lượng giảng dạy. Các phương pháp giảng dạy trong trường công lập thường dựa nhiều vào việc học thuộc lòng và ngữ pháp, hạn chế các kỹ năng giao tiếp thực tế.

Trong nhiều trường hợp, giáo viên tập trung vào Đọc và Viết trong khi kỹ năng Nói và Nghe ít được chú ý. Cách tiếp cận này hạn chế khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả của học sinh trong các tình huống thực tiễn.

Phương pháp giảng dạy truyền thống trở nên khó khăn do thiếu nguồn lực. Các trường công, nơi phần lớn học sinh Ai Cập theo học thường quá đông học sinh mỗi lớp, sách giáo khoa lỗi thời và không đủ khả năng tiếp cận các công cụ giảng dạy hiện đại.

Theo báo cáo của Đại học Mỹ tại Cairo (AUC), khoảng 75% học sinh Ai Cập phải học trong những lớp học hơn 40 học sinh hoặc theo học tại những trường áp dụng hệ thống nhiều ca học.

Do đó, nhiều bậc phụ huynh đã cho con cái học các trường tư thục để khắc phục những thiếu sót này. Học sinh trường tư hiện chiếm 10,6% tổng số học sinh của Ai Cập - ước tính là 23,3 triệu vào năm 2019-2020, theo Enterprise Press.

Các trường này không thuộc Bộ Giáo dục Ai Cập nhưng được Bộ giám sát và hầu hết các trường đều cung cấp cho học sinh chương trình học tiếng Anh chuyên sâu ngay từ bậc mẫu giáo.

Hiện nay, Bộ Giáo dục Ai Cập đã thực hiện một loạt cải cách chính sách để nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường công nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận giáo dục tiếng Anh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự tiến bộ vẫn diễn ra chậm và chưa rõ rệt.

Ai Cập chỉ đứng thứ 83 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ theo Bảng xếp hạng Chỉ số Thông thạo tiếng Anh (EF EPI) năm 2023, với số điểm 463 và thuộc nhóm "thông thạo thấp".

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghich-ly-quoc-gia-day-tieng-anh-hon-150-nam-nhung-trinh-do-rat-thap-2341213.html