Nghịch lý sách học trò
Tại cuộc họp thông tin về tình hình hoạt động của ngành Giáo dục trong quý III vừa diễn ra, trước những băn khoăn của dư luận về tình trạng tràn lan sách tham khảo (STK) hiện nay, Bộ GDĐT cho biết đã yêu cầu Sở GDĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp SGK và tài liệu tham khảo. Dẫu thế, vẫn chưa có công bố cụ thể nào về việc phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo đó, Bộ GDĐT cho hay, sách giáo khoa (SGK) là tài liệu dạy học chính thức trong nhà trường. Ngoài ra, không có thêm quy định về tài liệu nào khác. Trong các loại sách mà Bộ GDĐT yêu cầu cũng không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”.
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT cho biết: Quy định tại Thông tư 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.
Thị trường STK rất phong phú, số lượng STK của các nhà xuất bản chiếm phần lớn trong danh mục bán hàng ở các cửa hàng sách. SGK chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí có nơi không có. Hầu hết các STK này được xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản.
Còn Bộ GDĐT không thẩm định nội dung các STK trên thị trường. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm thẩm định chương trình, nội dung SGK giáo dục phổ thông. Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng STK trong nhà trường sao cho hiệu quả hơn.
Ông Nam cho hay, để tăng cường quản lý, sử dụng STK, Bộ GDĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng STK trong nhà trường. Cùng đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng STK đưa vào đề kiềm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng SGK, STK.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cũng nêu rõ, trong luật quy định, SGK là tài liệu thể hiện cụ thể của chương trình, là tài liệu dạy học chính thức ở trong nhà trường. Ngoài ra không có thêm quy định về tài liệu nào khác. STK là do các nhà xuất bản tung ra theo Luật Xuất bản và nội dung được kiểm duyệt theo mỗi đơn vị. Những tài liệu này ở ngoài thị trường và không phải bắt buộc. Nếu đưa vào trong nhà trường, cụ thể là các thư viện chỉ để thầy trò tham khảo trong quá trình dạy và học.
Như vậy, là Bộ GDĐT đã khẳng định không thẩm định STK, không yêu cầu sách bổ trợ. Vậy tại sao bao lâu nay, STK vẫn tràn lan trong các bộ SGK được bán kèm cho học sinh trong các nhà trường?
Trong khi với học sinh tiểu học, chỉ cần một số đầu sách chính như Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Tiếng Anh…(tùy theo từng lớp). Những cuốn STK đều có nhan đề na ná như nhau “Để học tốt…”, gần như không cần đến. Buồn thay, đám sách thừa mà nhà trường ép học sinh tiểu học phải mua ấy, vừa khiến các em phải còng lưng cõng sách đến trường mỗi ngày (cho dù không dùng đến), lại vừa khiến lãng phí tiền bạc, công sức …
Nghịch lý đáng kể nữa là trong khi SGK chính khóa rõ ràng đang còn thiếu (sách dùng cho học sinh lớp 1 chương trình mới năm nay), song STK và sách bổ trợ thì lại được bày bán ê hề…
Lạc giữa rừng STK ấy, phụ huynh không biết đâu mà lựa chọn. Ấy vậy mà trong lúc họ đang phân vân, lúng túng như thế, những người có trách nhiệm chỉ buông một lời khuyên: “Hãy là những phụ huynh thông minh trong việc lựa chọn STK cho con”.
Thậm chí, ở trang đầu các cuốn SGK phổ thông hiện nay đều có in dòng chữ: “Hãy bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng các em học sinh lớp sau!”. Nhưng có lẽ đây chỉ là một thông điệp mang tính hình thức. Làm khảo sát nhỏ tại một số trường tiểu học quanh Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ học sinh mua SGK mỗi năm học mới gần như là 100%. Vậy thì sách cũ dùng xong mà còn tốt sẽ được tái sử dụng ra sao, hiện chưa có thống kê cụ thể nào. Tới dây, khi triển khai chương trình mới, với tất cả các cấp học, có giải pháp nào để không lãng phí SGK? Đây là vấn đề cần phải lưu tâm đề cập sớm.
Ngành Giáo dục không thẩm định STK, không có nghĩa là họ đứng ngoài cuộc. Làm sách cho học sinh mà không vì giáo dục, quá đề cao yếu tố lợi nhuận, chẳng khác nào coi nhà trường là một thị trường để kinh doanh STK, việc này đã kéo dài nhiều năm. Mong Bộ GDĐT sớm có kết quả thanh/kiểm tra việc lạm dụng đưa STK, sách bổ trợ vào trường học. Đồng thời phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, nếu không cũng chẳng khác nào việc “ném đá ao bèo”…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghich-ly-sach-hoc-tro-509099.html