Nghịch lý sau sáp nhập: Trạm y tế bỏ không nhưng dân phải vượt hàng chục kilomet đường ghềnh đá để đi khám bệnh

Việc thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương lớn, có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều địa phương mới làm tốt việc sắp xếp con người, còn công sở tiền tỷ bị bỏ không, lãng phí sau sáp nhập. Ghi nhận tại tỉnh Cao Bằng.

Trạm y tế, điểm trường, nhà văn hóa… tất cả đều đóng cửa im lìm. Việc các trụ sở cũ bỏ không như thế này không còn xa lạ với bà con ở các đơn vị hành chính thực hiện sáp nhập. Trụ sở sẵn có không được sử dụng, trong khi để khám chữa bệnh, học tập, người dân xóm Lạn Dưới phải đi 12km trên con đường đầy sỏi đá này.

Ông VI VĂN MẠ, Xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng: “Sáp nhập xã vào chúng tôi đi lại rất khó khăn, đi xa lắm. Đi khám bệnh cũng xa, các cháu đi học cũng xa, đường thì khó đi. Người già muốn đi khám bệnh phải đến trạm mới, trạm cũ lại bỏ phí thế này.”

Ở cấp huyện, sau sáp nhập giữa Phục Hòa và Quảng Uyên thành huyện Quảng Hòa, toàn bộ trụ sở của cơ quan hành chính tại huyện Phục Hòa cũ bỏ không gần 2 năm nay, chỉ còn một số phòng được tận dụng.

Bà NÔNG THỊ HÀ, Bí thư huyện ủy Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng: “Cơ bản trụ sở chính của hai đơn vị vẫn được chúng tôi tận dụng, tuy nhiên không thể khai thác hết công năng của khu này, đang gây lãng phí. Hai là chia sẻ cán bộ cũng khó khăn trong việc anh em di chuyển từ trung tâm huyện về Phục Hòa. Tỉnh cũng đã có phương án nhưng cũng chưa triển khai.”

Cửa khóa kín, một số phòng làm việc trở thành nhà kho, mạng nhện khắp nơi là những gì đang tồn tại ở nơi trước đây là huyện ủy huyện Trà Lĩnh. Sau sáp nhập với huyện Trùng Khánh, trụ sở huyện ủy, UBND, cũ bỏ không 2 năm nay. Thậm chí sân trụ sở trở thành nơi để người dân phơi ngô như thế này.

Ông PHẠM VĂN CAO, Bí thư huyện ủy Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng: “Trước thực trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị sáp nhập tổng rà soát cơ sở vật chất. Đối với chỗ đủ điều kiện cho tổ chức đấu giá và sử dụng kinh phí đó đầu tư vào hoạt động khác. Tuy nhiên đến thời điểm này huyện Trùng Khánh chưa triển khai được mà chỉ dừng ở rà soát và thống kê.”

Theo thống kê, sau sáp nhập, toàn tỉnh có 128 cơ sở nhà, đất dôi dư. Việc sắp xếp, bố trí sử dụng và giải quyết số trụ sở dôi dư này quả thực không hề đơn giản.

Thực hiện : Hà Lan Việt Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghich-ly-sau-sap-nhap-tram-y-te-bo-khong-nhung-dan-phai-vuot-hang-chuc-kilomet-duong-ghenh-da-de-di-kham-benh