Nghịch lý sinh viên ngành học Bất động sản tốt nghiệp không theo nghề

Theo chuyên gia, muốn có một ngành nghề tốt, đòi hỏi phải có một hệ thống đào tạo tốt. Tuy nhiên, các trường cần lưu ý đến chương trình đào tạo.

Cơ hội của sinh viên ngành Bất động sản

Năm 2021, trường đại học Kinh tế - tài chính TP.Hồ Chí Minh mở tuyển sinh thêm 4 ngành học mới, trong đó có ngành Bất động sản.

Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc trung tâm Tư vấn tuyển sinh (trường đại học Kinh tế - tài chính TP.Hồ Chí Minh), những ngành học mới này ra đời nhằm mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng ngành học cho thí sinh cả nước, đồng thời đáp ứng nhân lực cho xã hội.

Đáng chú ý, trong số những ngành học mới có ngành Bất động sản, hiện nay có rất ít cơ sở giáo dục đại học uy tín đào tạo lĩnh vực này: Phân hiệu trường đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, trường đại học Kinh tế Quốc dân, trường đại học Nông Lâm (đại học Huế), trường đại học Tài chính - Marketing.

“Chính vì vậy, trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh mở ngành học Bất động sản, với kỳ vọng mang đến một môi trường được định hướng đào tạo cho sinh viên bằng cách tiếp cận và vận dụng kiến thức cũng như thông tin về thị trường bất động sản một cách nhanh chóng, thông qua phương pháp giáo dục mô phỏng thực tế. Sinh viên được cọ xát thực tế ngành học trong chính các giờ học chuyên sâu thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy tận tình của giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Năm 2021, trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh mở tuyển sinh thêm 4 ngành mới, trong đó có ngành Bất động sản.

Năm 2021, trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh mở tuyển sinh thêm 4 ngành mới, trong đó có ngành Bất động sản.

Bất động sản hay còn gọi là Kinh doanh bất động sản là một ngành thuộc nhóm kinh doanh. Hiện nay, Kinh doanh bất động sản đang là ngành nghề “hot” và là một trong những động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tại Việt Nam, lĩnh vực bất động sản đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thành phần khác nhau trong xã hội.

Sinh viên học ngành này sau khi ra trường sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động nghề nghiệp như: Nhân viên kinh doanh bất động sản (công việc được tuyển dụng thường xuyên nhất trên thị trường việc làm); chuyên viên môi giới bất động sản, chuyên viên dịch vụ khách hàng, chuyên viên phòng kế hoạch dự án, chuyên viên tại các sàn giao dịch bất động sản; quản lý văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bất động sản; chuyên viên thẩm định giá bất động sản, chuyên viên phát triển thị trường và kế hoạch kinh doanh; nhà đầu tư bất động sản; nhà phát triển và quản lý hệ thống bất động sản.

Có thêm môi trường đào tạo là quá tốt!

Theo công bố của công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2020, ngành bất động sản tăng trưởng 0,31% so với năm 2019, và đóng góp 4,42% GDP cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu, thay đổi chiến lược đầu tư, qua đó vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, thậm chí lãi kỷ lục.

Theo thống kê của hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới hiện khoảng 200.000 người, hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập, nhưng chủ yếu tập trung ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo ước tính của VARS, đến nay, mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp, chiếm khoảng 15%.

Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp luật, ông Tống Thanh Chung (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bất động sản Bầu trời Việt Nam - Sky Realty) cho rằng: “Nghề môi giới bất động sản đang trên đà phát triển. So với các ngành nghề khác, cùng một thời gian, công sức và tài chính bỏ ra tương tự, thu nhập ngành này hiện đang cao hơn. Bên cạnh đó là cơ hội học hỏi, phát triển bản thân và có những bước đột phá hơn. Theo tôi, đó là một trong những “điểm sáng” tạo nên “sức hút” đối với ngành này.

Trước đây, những người làm môi giới bất động sản đa dạng hơn hiện nay rất nhiều, những người được gọi là “cò nhà đất” có thể xuất phát từ những người bán nước, bán rau hay xe ôm… Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, những thành phần như vậy đã ít dần đi. Điều đó chứng tỏ, nghề này đã có sự thanh lọc và bắt đầu đi vào những giai đoạn chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi những người làm nghề cần có kiến thức và tư duy tốt hơn.

Trong tương lai, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn phát triển và phát triển rất tốt. Khi đó, những người làm trong nghề cũng sẽ thay đổi, tiếp cận với tư duy và văn hóa của thế giới nhiều hơn, tạo ra cơ hội rộng mở hơn, tuy nhiên, cũng sẽ đi kèm với sự cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi sự chuyên nghiệp”.

Theo Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bất động sản Bầu trời Việt Nam, có một nghịch lý, tương đối nhiều các bạn sinh viên học Bất động sản nhưng khi tốt nghiệp lại không theo ngành.

Theo Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bất động sản Bầu trời Việt Nam, có một nghịch lý, tương đối nhiều các bạn sinh viên học Bất động sản nhưng khi tốt nghiệp lại không theo ngành.

Trước thông tin thêm trường đại học mở ngành Bất động sản, ông Tống Thanh Chung bày tỏ: “Đây là một điều rất tốt! Đối với những người “ngoại đạo” muốn gia nhập lĩnh vực này cũng cần phải học qua những chứng chỉ để có một nền tảng tốt hơn, hiểu rõ về công việc sẽ triển khai trong tương lai.

Đặc biệt, tôi rất ủng hộ việc các trường đại học mở thêm ngành học Bất động sản. Bởi lẽ, nếu muốn có một ngành nghề tốt, đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống đào tạo tốt. Đầu ra sẽ khá rộng mở, các trường sẽ không phải lo lắng, như chúng tôi làm trong lĩnh vực này, có thể nhìn thấy nhu cầu nhân lực lớn đến thế nào. Rất khó để tìm kiếm một nhân sự xuất sắc và có tiềm năng làm việc, gắn bó với nghề. Điều đó là thực sự cần.

Tuy nhiên, nhìn vào lực lượng gia nhập lĩnh vực bất động sản hiện nay, tôi thấy rằng, để so sánh chất lượng nhân sự với các ngành như Tài chính - Ngân hàng… thì chưa thực sự bằng. Đối với lực lượng môi giới gia nhập thị trường bất động sản, tôi cho rằng, điều đầu tiên, các bạn phải xác định đây là một nghề gắn bó dài lâu, chứ không thể chỉ xem đây là cơ hội kiếm tiền, kiếm được chút ít rồi nghỉ đi là nghề khác. Tư duy đó sẽ khó tồn tại trong nghề.

Trong quá trình làm việc với một số cơ sở đào tạo, nhìn lại, tôi nhận thấy một nghịch lý, tương đối nhiều các bạn sinh viên học Bất động sản nhưng khi tốt nghiệp lại không theo ngành. Không biết nguyên nhân từ đâu, có thể những kiến thức trong chương trình học chưa thực sự sát với thực tế. Tôi mong các trường sẽ lưu ý đến vấn đề này để không uổng phí thời gian và công sức của cả thầy và trò”.

Thủy Tiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghich-ly-sinh-vien-nganh-hoc-bat-dong-san-tot-nghiep-khong-theo-nghe-a510626.html