Nghịch lý thiết bị y tế đắp chiếu chờ bác sỹ chuyên môn

Các huyện miền núi khó khăn ở Thanh Hóa rất khó thu hút được các y, bác sỹ có tay nghề về hoạt động tại cơ sở. Một phần do chính sách đãi ngộ, phần khác do các thiết bị, máy móc không tương thích, đồng bộ. Nhân lực y tế hiện có lại không đáp ứng được khi có máy móc, thiết bị hiện đại được đầu tư, tài trợ.

Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển toàn diện huyện biên giới này. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, người dân sinh sống trên các khu vực núi cao lại thiếu nguồn sinh kế ổn định dẫn tới hạ tầng, giao thông, trường, trạm còn thiếu hụt.

Cuộc sống của người dân Mường Lát còn nhiều khó khăn

Cuộc sống của người dân Mường Lát còn nhiều khó khăn

Mường Lát là địa phương có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh. Những năm qua, cùng với chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng về địa phương công tác.

Công tác giảm nghèo đã có chuyển biến, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 39% (giảm 16,8% so với năm 2021), trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm.

Thiết bị y tế nằm đắp chiếu tại Mường Lát

Thiết bị y tế nằm đắp chiếu tại Mường Lát

Chính vì điều kiện khó khăn nên Mường Lát những năm qua được nhà nước đầu tư hoặc các đơn vị tổ chức tài trợ các trang, thiết bị y tế hiện đại phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người dân. Thế nhưng nguồn nhân lực đảm bảo chuyên môn lại không thu hút được để vận hành, đưa máy móc, thiết bị vào vận hành, sử dụng.

Theo thống kê, tại Trạm Y tế xã Trung Lý có 1 máy xét nghiệm sinh hóa nước tiểu Model Combilyzer 13, do Trung Quốc sản xuất, được tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tặng. Hiện, Trạm Y tế xã Trung Lý chưa có cán bộ có đủ năng lực để vận hành và sử dụng.

Cơ sở vật chất của ngành y tế tại các huyện miền núi chưa được đầu tư đồng bộ

Cơ sở vật chất của ngành y tế tại các huyện miền núi chưa được đầu tư đồng bộ

Trạm Y tế xã Tam Chung được cấp 1 máy siêu âm hiệu ALOKA, hãng Hitachi của Nhật Bản. Vì trạm y tế không có cán bộ chuyên môn sử dụng nên máy siêu âm này được Trung tâm Y tế Mường Lát sử dụng để khám bệnh cho người cao tuổi và phụ nữ có thai trên địa bàn.

Sau 6 năm được trang bị, cán bộ của Trạm Y tế xã Tam Chung chưa có chuyên môn để thực hiện dịch vụ kỹ thuật siêu âm cho người dân trong xã mà phải chuyển cho Trung tâm Y tế sử dụng nhằm phát huy hiệu quả sử dụng của thiết bị được đầu tư.

Ngoài ra, tại Trạm Y tế xã Tam Chung còn có 2 bộ điều hòa nhiệt độ hiệu Mitsubishi chưa đưa vào sử dụng; 2 ống nghe, 1 bộ đo đường huyết, huyết áp kế và một số dụng cụ cho khám chữa bệnh thuộc dự án "phục hồi phát triển kinh tế xã hội"; 1 tủ lạnh Haier HBC80 chưa sử dụng và 1 hòm lạnh đã hết khấu hao tài sản theo quy định và chỉ sử dụng bảo quản lạnh.

Các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Lát hiện có số lượng người làm việc đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, rất nhiều trạm y tế không có bác sĩ, trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Để “bốc thuốc” trị căn bệnh này, Sở Y tế Thanh Hóa cho rằng, thời gian tới, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong ngành khắc phục các tồn tại, tiếp tục yêu cầu các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị, thành phố rà soát thiết bị y tế không có nhu cầu sử dụng tại tuyến xã để điều chuyển sang các đơn vị có nhu cầu, nhằm tránh lãng phí nguồn lực được đầu tư.

Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, quan tâm đến công tác đào tạo để cán bộ y tế có khả năng sử dụng hiệu quả các thiết bị y tế được trang bị, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Việc để một mình ngành y tế đơn phương trong giải quyết nghịch lý này là rất khó. Bởi nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, có chứng chỉ, tay nghề cao thường mong muốn ở các trung tâm, bệnh viện lớn, nơi tập trung đông người, có điều kiện kinh tế phát triển “chân trong, chân ngoài”, mở phòng khám ngoài giờ để tăng thêm thu nhập. Nên nhiều năm qua, số lượng nhân lực y tế có tay nghề về các huyện miền núi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nguồn nhân lực tại chỗ lại thiếu chính sách, cơ chế hỗ trợ cho họ đi học thêm, nâng cao tay nghề. Chưa kể số người có nhu cầu đi học cũng không nhiều vì có tuổi, yêu cầu bắt buộc đối với vị trí việc làm tại các trạm y tế xã cũng không cao.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nghich-ly-thiet-bi-y-te-dap-chieu-cho-bac-sy-chuyen-mon-440482.html