Nghịch lý 'thu phí quần dài' nhưng lại 'miễn phí quần đùi', đại diện Công viên Thống Nhất lên tiếng
Người dân mặc quần áo thể thao vào Công viên Thống Nhất (Hà Nội) tập thể dục sẽ không bị thu phí vào cổng. Trong khi đó, những người ăn mặc chỉnh tề thì bị thu phí.
Tranh cãi cách "chọn người" để thu vé vào Công viên Thống Nhất
Anh Trần Trung, 29 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đều đặn mỗi sáng đều đến Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) tập thể dục. Trong trang phục quần đùi, áo cộc, giày thể thao, anh không bị thu vé vào cửa.
"Tôi đã quen mặt với các anh chị bảo vệ ở công viên, không bị thu vé do đã tập thể dục tại đây nhiều năm qua", anh Trung nói.
Trong khi đó, Thu Thủy, 22 tuổi, sinh viên một trường Đại học, tranh thủ thời gian sau giờ học, ghé Công viên Thống Nhất chơi cùng nhóm bạn. Nhóm Thủy được yêu cầu mua vé vào cửa, mức giá 4.000 đồng/người lớn. Số tiền không quá lớn, nhưng điều khiến cô bất ngờ là người phía trước vừa được vào công viên mà không mất phí. Cô được bảo vệ giải thích đó là người tập thể dục, còn những ai vào tham quan và học tập, sẽ phải chịu mức phí đã quy định.
"Mình cảm thấy không hợp lý vì người dân mặc 'quần đùi' hay 'quần dài', cũng là vào hưởng thụ không gian công cộng. Công viên là khu vực chung dành cho mọi người, chứ không riêng đối tượng nào", Thủy thắc mắc.
Theo anh Trung, từ hơn 10 năm nay, nghịch lý "thu phí quần dài", "miễn phí quần đùi" đã diễn ra ở Công viên Thống Nhất. Bảo vệ và người soát vé đều cố gắng giải thích cho người dân hiểu về từng đối tượng và mục đích khi vào công viên. Tuy nhiên, chính nghịch lý này lại gây nên nhiều tình huống "dở khóc dở cười".
"Ngày trước, tôi với bạn cùng vào công viên dạo mát. Tôi đi giày thể thao nên được miễn phí, còn bạn tôi... lỡ đi giày lười, nên phải trả tiền vé vào", anh Trung cười.
Minh Hiền, 25 tuổi, không cảm thấy quá khó hiểu với việc "chọn người" để thu vé mỗi khi vào Công viên Thống Nhất. Cô lý giải, mức giá 4.000 đồng không quá lớn, có thể xem là chi phí tham quan đối với những người vào công viên dạo chơi. Ngoài ra, đây cũng là mức phí để duy tu, sửa chữa và nâng cấp công viên.
"Công viên tạo điều kiện để người dân tập thể dục thường xuyên. Còn những người ăn mặc lịch sự, không tập thể dục, mà nhằm mục đích tham quan, thì nên chịu mức phí", Hiền nói.
Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn ở Hà Nội, tiếp giáp 4 mặt phố: Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn và Đại Cồ Việt, thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng. Công viên có diện tích khoảng 50ha, riêng phần diện tích hồ Bảy Mẫu chiếm 28ha, được hoàn thành vào tháng 5/1961 sau gần 3 năm xây dựng. Công viên có 8 cổng vào, cổng chính nằm trên mặt phố Trần Nhân Tông.
Hồi tháng 1, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ba công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất sẽ ưu tiên được cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan.
Riêng Công viên Thống Nhất được nghiên cứu theo hướng công viên mở, có thể dỡ bỏ hàng rào bao quanh. Sở Xây Dựng Hà Nội cho hay, các đơn vị liên quan sẽ rà soát quy hoạch chi tiết, nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp theo hướng công viên mở để người dân dễ tiếp cận, không thu vé vào cửa…
Giải thích quy định thu vé vào cửa Công viên Thống Nhất
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, cho biết việc thu vé vào cổng được căn cứ theo quy định của UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, quyết định 2261 ngày 6/6/1998 của UBND TP. Hà Nội quy định 2.000 đồng/vé/người lớn và 1.000 đồng/vé/trẻ em.
10 năm sau, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định 1467 ngày 20/10/2008, quy định 4.000 đồng/vé/người lớn và 2.000 đồng/vé/trẻ em. Ngoài ra, quyết định này cũng nêu rõ, với những người cao tuổi, người khuyết tật, thanh thiếu niên nếu có nhu cầu tập luyện dưỡng sinh, thể dục thể thao thường xuyên, hằng ngày vào trước 8h sáng và các buổi chiều từ 16h đến 19h thì được miễn phí vé vào cổng.
Nhận được phản ánh về nghịch lý "thu phí quần dài", "miễn phí quần đùi", ông Cường cho hay Công ty đã chấn chỉnh và chỉ đạo bộ phận bảo vệ, bán vé cần linh hoạt, giải thích cho người dân hiểu về quy định của Thành phố.
"Với những người không thuộc nhóm đối tượng trên, chúng tôi yêu cầu nhân viên soát vé lễ phép, lịch sự hỏi mục đích vào công viên để xem xét có thuộc đối tượng miễn phí hay không. Nếu họ vào đúng mục đích thể dục, dù mặc quần áo chỉnh tề, thì vẫn sẽ được miễn phí, còn nếu vào tham quan, học tập và sử dụng dịch vụ ở công viên thì sẽ phải mất phí", ông Cường nói.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất hi vọng người dân hiểu và cảm thông vì đơn vị đang làm theo đúng quy định của UBND TP. Hà Nội. Hơn nữa, mức vé vào cổng không quá lớn, sẽ giúp tôn tạo cảnh quan công viên, vệ sinh môi trường, để người dân được hưởng thụ không gian tốt nhất.
Ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, đơn vị đã kiến nghị Thành phố dừng thu phí vào công viên. Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục bị xuống cấp.
Theo vị này, năm 2010, Công viên Thống Nhất từng trải qua đợt tu sửa lớn nhất, từ đó đến nay không có đợt chỉnh trang nào nữa. Hàng năm, công ty đều duy tu, sửa chữa nhưng ở quy mô nhỏ.
"Công viên đã thay đổi nhiều, thêm nhiều vườn hoa, dỡ hết những công trình nhếch nhác. Chúng tôi hiện đang tháo dỡ một vài ki-ốt khác, đồng thời sửa chữa khu nhà công nhân. Nhưng để xứng tầm với công viên trung tâm Thủ đô, thì phải đang đợi dự án cải tạo, nâng cấp mà UBND TP. Hà Nội vừa ban hành", vị lãnh đạo nói.
Còn về chủ trương biến Công viên Thống Nhất thành không gian mở, trên quan điểm cá nhân, ông Tú cho rằng khái niệm "công viên mở" nên được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ dừng lại việc dỡ bỏ hàng rào bao quanh công viên.
"Người dân muốn vào công viên phải đi qua các cổng chính hoặc các vị trí đường giao thông nội bộ. Nếu mở toang hàng rào, chúng tôi không thể kiểm soát được hành vi giẫm lên vườn hoa, bãi cỏ để vào bên trong công viên", vị lãnh đạo gợi ý phương án hạ thấp hàng rào, lắp thêm đèn chiếu sáng, bảng quảng cáo và biển chỉ dẫn xung quanh để công viên trông thu hút hơn.