Nghịch lý tuyển sinh đại học
Điểm chuẩn thấp, thí sinh không mặn mà, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là điều đang diễn ra đối với không ít ngành đào tạo của nhiều trường, dù nhu cầu nhân lực thực tế trong lĩnh vực này đang thiếu hụt rất lớn.
Điểm chuẩn thấp trường kỳ
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm 2022, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ 24,54%, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê chiếm 0,40% tỷ lệ tuyển sinh.
Có 45/220 ngành đào tạo đại học (ĐH) tuyển sinh đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội tiếp tục đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh rất thấp trong 3 năm qua.
Một thống kê khác từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Chưa kể, điểm chuẩn của các khối ngành này trong 3 năm qua cũng thấp hơn so với mặt bằng chung các khối ngành khác, chủ yếu dao động trong khoảng 15-16 điểm, tức chỉ ở mức hơn 5 điểm/môn. Đơn cử, năm 2022, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng đồng thời là điểm chuẩn năm 2022 cho 21 ngành đào tạo của trường là 15 điểm. Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm chuẩn năm 2022 từ 15-19 điểm với các ngành của nhà trường. Có 3 ngành là Khoa học đất, công nghệ kỹ thuật môi trường, Logistics & quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn từ 20-23 điểm.
Điểm chuẩn thấp là vậy nhưng từ góc độ nguồn nhân lực, những ngành này lại có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp thông tin, nhân lực kiểm lâm hiện nay thiếu đến 9.000 cán bộ, nếu tính theo định mức với rừng đặc dụng là 500ha cần 1 cán bộ kiểm lâm, với rừng sản xuất là 1.000ha. Thống kê cả nước hiện nay có trên 10.000 cơ sở nuôi động vật hoang dã, động vật quý hiếm tương đương đang thiếu hụt khoảng 1.000 nhân lực có trình độ để cứu hộ, phòng trừ dịch bệnh cho động vật.
Truyền thông tích cực tới người học
TS Sử Thanh Long - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Vì vậy, rất cần đến nhân lực trình độ cao có kiến thức, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, do người học thiếu thông tin, tâm lý vẫn e dè với nông nghiệp, nông thôn… nên không chọn học ngành này. Thậm chí, những học sinh chọn học nông nghiệp cũng chưa hẳn vì yêu thích ngành này, nên có những sinh viên tốt nghiệp xong lại làm trái ngành, trái nghề, rất lãng phí.
Do đó, theo ông Long, cần để con trẻ sớm được tiếp xúc với nền nông nghiệp, không chỉ là trải nghiệm thực tế với những mô hình trang trại giáo dục kiểu đến xem, đến vui chơi rồi về sợ làm nông dân, mà quan trọng từ đó các em có thêm hiểu biết về nông học, biết yêu cuộc sống thôn dã.
Đối với các thí sinh chuẩn bị đăng ký xét tuyển ĐH năm 2023 và những năm tiếp theo, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi lưu ý, thí sinh không nên chỉ quan tâm lựa chọn các ngành được dự báo là hot mà bỏ qua những ngành khoa học cơ bản. Bởi, khi người học đổ dồn vào một số ngành hot, sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp, trong khi những ngành khác lại thiếu nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các trường ĐH cần quan tâm xem những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn. Bên cạnh đó, khảo sát để có số liệu xây dựng chính sách trong việc mở chương trình đào tạo trong tuyển sinh, đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như hướng nghiệp giữa các trường ĐH, THPT để thí sinh hiểu rõ những ngành cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Ngoài ra, để những ngành học này duy trì được cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước để đầu tư, hỗ trợ như ngành khoa học cơ bản, toán học và những ngành kỹ thuật công nghệ, giảm bớt những khó khăn cho sinh viên khi vào trường.
Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay Bộ GDĐT được Chính phủ giao xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Bộ đã đề xuất những giải pháp trong đề án này để có những giải pháp chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường doanh nghiệp, gắn kết đào tạo nghiên cứu và hợp tác quốc tế, tăng sự thu hút của ngành nghề với học sinh. Đồng thời, tăng các điều kiện đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt hỗ trợ đào tạo sau ĐH trong lĩnh vực này.
Tại buổi làm việc với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề: Cần xác định nguồn nhân lực của những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu như thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ khó khăn. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, như vấn đề chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp - xã hội hay vấn đề học phí để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nghich-ly-tuyen-sinh-dai-hoc-5712292.html