Nghịch lý và bất cập trong dạy – thi môn Ngữ văn

LTS: Chương trình Ngữ văn 2018 mang theo kỳ vọng đổi mới toàn diện: phát triển năng lực tư duy, cảm thụ và ngôn ngữ cho người học. Trên lớp, giáo viên đã nỗ lực triển khai những phương pháp giảng dạy tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, khơi gợi cảm hứng đọc, hiểu và sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tiễn giảng dạy và kiểm tra đánh giá, vẫn còn những khoảng cách nhất định giữa tinh thần đổi mới và cách thức thực hiện, đặc biệt ở khâu thi cử.

Bài viết này từ góc nhìn của một giáo viên dạy chuyên Văn THPT với mong muốn đề thi không chỉ đo lường kiến thức, kỹ năng, mà còn là cơ hội để học sinh thể hiện tư duy, cảm xúc và tiếng nói riêng. Đổi mới cần sự đồng bộ từ chương trình, phương pháp dạy, đến cách thức kiểm tra, để môn Văn tiếp tục là không gian nhân văn nuôi dưỡng tâm hồn và tư duy học sinh.

Dạy một đằng - thi một nẻo: Khoảng cách không chỉ là kỹ thuật

Chương trình Ngữ văn 2018 đặt ra định hướng rõ ràng: phát triển năng lực ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc cho người học. Trên lớp, giáo viên được yêu cầu tổ chức các hoạt động đa dạng: đọc hiểu sâu, phản biện, trình bày quan điểm cá nhân, sáng tạo tác phẩm mới từ cảm hứng văn học cũ... Cách dạy ấy đặt học sinh vào vai trò trung tâm, khuyến khích chủ động khám phá và biểu đạt.

Thế nhưng, khi bước vào kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh gần như phải “thoát vai”. Không còn là người cảm thụ, người phản biện hay sáng tạo, các em phải trở thành “người giải đề”. Bởi, đề thi không chấm tư duy, không đo rung động. Đề thi chấm kỹ thuật.

Cấu trúc đề quen thuộc hiện nay gồm một văn bản ngữ liệu với 5 câu hỏi đọc hiểu và 2 câu phần viết tưởng như hiện đại, thực chất đang củng cố lối tư duy cũ. Phần đọc hiểu được chia nhỏ thành các câu hỏi mang tính “trắc nghiệm ẩn”: thể thơ là gì, biện pháp tu từ nào, tác dụng của từ ngữ... Thậm chí, nhiều đề yêu cầu “nêu thông điệp của văn bản” nhưng lại giới hạn trong khuôn mẫu ngắn gọn, 5-7 dòng, không cho phép học sinh khai triển ý tưởng theo chiều sâu. Trong phần viết, đoạn văn nghị luận văn học thường chỉ xoay quanh một trích đoạn hoặc một thao tác cụ thể, còn bài nghị luận xã hội thì phần lớn học sinh chỉ cần học thuộc cấu trúc 3 luận điểm, 3 dẫn chứng 4 thao tác là có thể viết được.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gây nhiều tranh cãi về cách ra đề.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gây nhiều tranh cãi về cách ra đề.

Khi thi cử trở thành cuộc chơi của sự thuần thục kỹ năng làm bài, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi: Tại sao trong lớp giáo viên dạy cho học sinh cảm thụ, diễn đạt cá nhân, suy nghĩ độc lập, nhưng đề thi lại yêu cầu trả lời theo mẫu? Tại sao có những em học Văn rất tốt, yêu Văn thực sự, nhưng kết quả thi lại không tương xứng chỉ vì các em không “nhạy mẹo”? Tại sao những học sinh viết giàu cảm xúc, có chiều sâu lại dễ bị trừ điểm vì viết “lạc đề”, “không sát ý câu hỏi”?

Chính từ những mâu thuẫn đó, một hệ quả đau lòng đã xảy ra: giáo viên buộc phải dạy theo công thức. Họ bắt đầu phát triển các “template” cho học sinh: cách trả lời dạng câu hỏi ẩn dụ, cách viết mở bài mẫu, cách chia đoạn theo bố cục cố định... Những giờ học trở nên kỹ thuật hóa đến mức vô cảm. Lớp học Văn không còn là nơi gợi cảm hứng mà trở thành xưởng sản xuất bài mẫu. Giáo viên đáng lẽ là người được yêu cầu đổi mới phương pháp nay phải xoay trở giữa kỳ vọng đổi mới và áp lực thi cử. Họ hiểu mình cần truyền cảm hứng, nhưng lại buộc phải luyện đề. Họ muốn học sinh viết bằng trái tim, nhưng lại sợ các em “lạc thang điểm”. Trong vòng xoáy đó, không chỉ học sinh bị mất phương hướng, mà cả người dạy cũng cảm thấy mình đang làm công việc thiếu nhất quán với chính triết lý giáo dục họ được huấn luyện.

Kiểm tra - đánh giá: Mảnh ghép lạc điệu trong bức tranh cải cách

Nếu ví chương trình và sách giáo khoa là bản thiết kế ngôi nhà mới, thì kiểm tra đánh giá chính là thước đo chất lượng công trình. Nhưng trong thực tế, khi bản thiết kế đi một đường còn thước đo lại đi một nẻo, thì sản phẩm cuối cùng không thể đạt như mong muốn.

Điểm nghẽn đầu tiên đến từ chính mô hình ra đề. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có định hướng “đánh giá năng lực”, nhưng trong thực tiễn, các đề thi học kỳ, đề kiểm tra định kỳ, đề thi thử, thậm chí là đề thi chính thức vẫn chủ yếu xoay quanh một công thức đã được mặc định. Giáo viên ra đề theo mô hình mẫu. Học sinh làm bài theo dạng câu hỏi lặp lại. Còn đề thi thì loay hoay giữa đổi mới và an toàn, sợ “hở sườn” trong khi lại không dám mở rộng tiêu chí đánh giá.

Lựa chọn ngữ liệu vốn là linh hồn của đề thi Văn cũng đang trở thành bài toán hóc búa. Để tránh trùng lặp giữa các địa phương, để tránh học tủ, nhiều người ra đề chọn giải pháp an toàn bằng cách sử dụng các văn bản “lạ”, ngắn, dễ kiểm soát. Nhưng chính sự “lạ” ấy lại đẩy học sinh vào trạng thái tiếp cận những đoạn văn không đủ giá trị nghệ thuật. Để đáp ứng dung lượng đề thi không vượt quá 1.300 chữ, người ra đề phải chọn những bài thơ, trích đoạn thơ ngắn gọn hoặc trích đoạn tiểu thuyết, truyện ngắn, lược bỏ khá nhiều phần để phù hợp khuôn khổ. Ngữ liệu như thế liệu có đủ để học sinh khai triển các tầng nghĩa, liên tưởng, cảm thụ?

Khi ngữ liệu bị vụn hóa, học sinh không thể thấy được mạch tư tưởng của tác phẩm. Các em học Văn không phải như tiếp xúc với một chỉnh thể nghệ thuật sống động, mà như gặm nhấm từng mẩu vụn được rút từ một chỉnh thể đã bị cắt rời. Tác phẩm hay trở thành nạn nhân của sự sợ trùng lặp. Thay vì cho học sinh tiếp cận sâu một văn bản, khai thác từ nhiều góc độ, thì người ra đề lại lo lắng: “Năm nay trường khác đã ra rồi, không dùng lại được nữa”. Vậy là những kiệt tác chỉ được dùng một lần rồi bị “bỏ xó”.

Khâu chấm thi cũng là một mảnh ghép cần nhìn lại. Dù đề có khơi mở đến đâu, nếu đáp án và cách chấm vẫn giữ tinh thần “so điểm”, “đếm ý”, thì cũng khó có thể ghi nhận được những bài viết sáng tạo, khác biệt. Nhiều giáo viên chấm bài trong tâm thế “sợ bị trừ điểm kiểm tra chéo” nên đành chọn giải pháp an toàn: chỉ chấm đúng ý có trong đáp án. Một bài viết giàu liên tưởng, nhưng không “trúng ý” cũng dễ bị đánh giá thấp hơn một bài viết đúng công thức nhưng vô cảm.

Từ những điểm nghẽn ấy, có thể thấy: kiểm tra đánh giá đang trở thành lực cản thay vì là động lực cho cải cách. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, rất có thể trong vài năm tới, khi chương trình mới hoàn thiện, sách giáo khoa đã ổn định, thì điều duy nhất chưa kịp đổi mới chính là cách kiểm tra đánh giá. Đó cũng là điều sẽ kéo tụt toàn bộ tiến trình cải cách giáo dục.

Vượt khỏi kỹ thuật - trở về với giá trị cốt lõi

Đổi mới giáo dục không thể chỉ là việc sửa bài giảng hay thay sách giáo khoa. Đổi mới thực chất phải bắt đầu từ cách chúng ta nhìn vào vai trò của người học và người dạy, từ cách chúng ta xác định: dạy để làm gì, thi để làm gì và văn chương tồn tại trong nhà trường để làm gì. Nếu mục tiêu cuối cùng của môn Ngữ văn là nuôi dưỡng tư duy, cảm xúc và nhân tính thì kiểm tra đánh giá cũng phải là quá trình ghi nhận và khích lệ những giá trị đó.

Cần xác lập lại mục tiêu ra đề: thay vì kiểm tra kỹ năng nhận biết, hãy thiết kế những câu hỏi mở, cho phép học sinh thể hiện chính kiến, cảm nhận riêng, góc nhìn cá nhân. Đừng lo học sinh không đủ sức. Điều các em cần là một không gian an toàn để được viết đúng cảm xúc mình. Cần đầu tư bài bản vào việc đào tạo đội ngũ ra đề và người chấm: không phải ai cũng ra đề Văn được. Người ra đề phải hiểu tinh thần chương trình, có gu thẩm mỹ và khả năng đặt câu hỏi hay. Người chấm cũng phải biết đặt mình vào vị trí của học sinh như người thưởng thức một tác phẩm ngôn từ chứ không phải “kiểm duyệt viên” kỹ thuật. Và, quan trọng hơn, cần tin rằng: học sinh có khả năng cảm thụ, sáng tạo và tư duy độc lập, nếu người lớn chịu từ bỏ nỗi sợ cái mới.

Cải cách phải bắt đầu từ điểm nhấn cuối cùng

Một bản nhạc hay có thể bị phá hỏng chỉ bởi một nốt chốt sai. Một chương trình cải cách dù hay đến đâu cũng sẽ thất bại nếu bước cuối cùng là thi cử lại đi ngược với tinh thần đổi mới. Là người trong cuộc, tôi mong có ngày được ra một đề thi Văn không vì sợ lệch đáp án mà giới hạn tư duy học sinh. Mong được đọc những bài viết tròn cảm xúc, giàu cá tính mà không phải cân đo đong đếm từng “ý nhỏ”. Mong được dạy Văn như dạy một niềm tin rằng, mỗi con người đều có quyền được viết bằng giọng điệu riêng của mình. Chỉ khi nào những điều ấy trở thành hiện thực thì đổi mới giáo dục mới thực sự bắt rễ từ trái tim chứ không phải nằm trên các bản kế hoạch hay hội thảo. Văn chương sẽ sống lại trong trường học như chính sứ mệnh ban đầu của nó: đánh thức con người trong mỗi con người.

Thái Thị Thanh Huyền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nghich-ly-va-bat-cap-trong-day--thi-mon-ngu-van-i774307/