Nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ
Sáng 3/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung, làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm.
Dự thảo luật quy định cấm “nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần xem xét, không nên cấm đối với việc vận chuyển phục vụ sản xuất kinh doanh khi đã được đăng ký.
Nội dung nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội vẫn là có nên đưa vào luật việc quản lý dao như là vũ khí thô sơ? Trường hợp nào thì phải đăng ký với cơ quan công an để quản lý? Trong trường hợp nào được coi là công cụ lao động, sinh hoạt không phải khai báo.
Cho rằng việc quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ có thể ảnh hưởng đến việc người dân sử dụng dao làm công cụ phục vụ lao động, học tập, sinh hoạt. Thực tế, nhiều loại dao mà người dân đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, theo mô tả của Bộ Công an thì sẽ bị coi là vũ khí thô sơ. Vậy nên, để phân loại, các đại biểu cho rằng nên quy định theo hướng khi dao, vật sắc nhọn mà được sử dụng để đe dọa hành hung trong các vụ việc ẩu đả, đuổi theo người khác, va chạm giao thông hoặc mang theo không vì mục đích sản xuất, sinh hoạt, học tập thì mới được coi là vũ khí thô sơ.