Nghiêm khắc nhưng bảo đảm nhân văn với người chưa thành niên phạm tội

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định, không được phân biệt đối xử, kỳ thị khi tuyển dụng, sử dụng người chưa thành niên, vì trước đó đã bị giáo dục tại trường giáo dưỡng, thi hành án phạt tù...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình Quốc hội dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp, đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Đồng thời tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Dự thảo Luật gồm 173 điều, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Đáng quan tâm, dự thảo Luật đã quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Quốc hội.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Quốc hội.

Đồng thời, quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên, gồm: 1. Khiển trách. 2. Xin lỗi bị hại. 3. Bồi thường thiệt hại. 4. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề. 5. Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý. 6. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. 7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 8. Hạn chế khung giờ đi lại. 9. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 10. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 11. Quản thúc tại gia đình. 12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý, chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng.

Dự thảo Luật cũng giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.

Đồng thời, bổ sung hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.

Mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền, hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện, và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù, trừ trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định mở rộng phạm vi được tha tù trước thời hạn và bổ sung quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người chưa thành niên phải thực hiện ngay khi có đủ các điều kiện, thay vì định kỳ xét chung với người đã thành niên như hiện nay.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Đồng thời, đổi mới việc cấp các chứng chỉ học nghề, tốt nghiệp văn hóa theo hướng, các chứng chỉ này được cấp bởi cơ sở giáo dục, trường nghề để tránh kỳ thị, phân biệt đối với người chưa thành niên khi tái hòa nhập cộng đồng khó tiếp tục đi học hoặc xin việc làm.

Quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được phân biệt đối xử, kỳ thị khi tuyển dụng, sử dụng người lao động là người chưa thành niên phạm tội từ đủ 15 tuổi trở lên vì lý do trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, thi hành án phạt tù...

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với người chưa thành niên thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc.

Ủy ban Tư pháp tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật và cho rằng, người chưa thành niên là người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng, bắt buộc phải tham gia vào các quy trình, thủ tục chặt chẽ và có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế (như: bắt, giam, giữ, dẫn giải, áp giải...).

Các biện pháp này ở những mức độ khác nhau đều tác động tiêu cực đến tâm lý người chưa thành niên. Do vậy, người chưa thành niên trong lĩnh vực tư pháp hình sự cần được ưu tiên quan tâm, bảo vệ.

Đặc điểm đó đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành, để từ đó thiết lập các nguyên tắc xử lý, chế định hình phạt, thủ tục tố tụng, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên; cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến người chưa thành niên phạm tội...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghiem-khac-nhung-bao-dam-nhan-van-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-171881.html