Nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh về địa mạo, địa chất khu vực mũi Dù - núi Cấm

Chiều 10-1, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, đánh giá đặc điểm, cảnh quan, địa mạo - địa chất, tài nguyên sinh vật khu vực mũi Dù - núi Cấm và biển liền kề thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn, khai thác hợp lý” do Thạc sĩ Phạm Bá Trung - Viện Hải dương học làm chủ nhiệm.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Quang cảnh buổi nghiệm thu.

Nhóm nghiên cứu đã xác định thành phần vật liệu chính của khu vực mũi Dù - núi Cấm là đá trầm tích chịu tác động của các hoạt động kiến tạo đã hình thành các mũi đá nhô, vách đá trầm tích và gỗ hóa thạch. Tuổi các trầm tích cách đây khoảng 174,1 - 182,7 triệu năm. Các đá trầm tích có dạng địa hình đặc trưng có ý nghĩa cho nghiên cứu và học tập về quá trình hình thành bờ biển trong khu vực mũi Dù - núi Cấm. Bên cạnh đó, nghiên cứu xác định tài nguyên sinh vật khu vực mũi Dù - núi Cấm với nhiều hệ sinh thái đa dạng, như: San hô, rong biển, vùng triều bờ đá… Nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên cấp tỉnh thuộc “Di sản địa chất kiểu A”, kết hợp các giá trị về sinh học và văn hóa nhằm phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ cảnh quan và các di sản thiên nhiên cho tỉnh Khánh Hòa...

Sản phẩm là dữ liệu và căn cứ khoa học đáng tin cậy giúp cho các cơ quan quản lý lập kế hoạch bảo vệ khu vực mũi Dù - núi Cấm phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị địa chất khu vực. Hội đồng xếp đề tài loại đạt.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202401/nghiem-thu-de-tai-khoa-hoc-cap-tinh-ve-dia-mao-dia-chatkhu-vuc-mui-du-nui-cam-cbc051f/