Nghiêm trị thói côn đồ trên đường phố

Liên tiếp nhiều vụ ẩu đả, hành hung người khác sau va chạm giao thông khiến dư luận bức xúc. Cơ quan công an đã vào cuộc khởi tố điều tra một số vụ án, bắt tạm giam đối tượng vi phạm. Điều này nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận khi cho rằng thói côn đồ trên đường phố phải được nghiêm trị để tạo môi trường văn minh khi tham gia giao thông.

“Động tay động chân” khi va quẹt

Ngày 10/12, tại quận 3, TPHCM, ông Lê Minh Hiền (37 tuổi, quê Trà Vinh) lái xe máy đi giao hàng trên đường Võ Văn Tần thì bị xe buýt do ông Võ Thanh Bằng (61 tuổi, quê Bạc Liêu) cầm lái chạy cùng chiều lấn làn, ép vào lề đường.

Bực tức, ông Hiền đuổi theo và dùng xe máy chặn đầu xe buýt rồi chửi ông Bằng. Sau đó, ông Bằng cùng tiếp viên Phạm Duy Niên (20 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) lao vào ẩu đả với ông Hiền khiến người đi đường một phen khiếp vía.

Xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm khắc để làm gương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 3, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng nói trên để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Từ trái qua, ông Bằng, Niên và Hiền bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 3 ( TPHCM) khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Ảnh: Công an cung cấp

Từ trái qua, ông Bằng, Niên và Hiền bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 3 ( TPHCM) khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Ảnh: Công an cung cấp

Tối 16/9, ông Ngô Đức Giang (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) điều khiển ô tô lưu thông trên đường Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức, TPHCM) thì bị ô tô biển số tỉnh Đắk Lắk đi ở chiều ngược lại, lấn làn và xảy ra va quẹt.

Bực tức, ông Giang xuống xe, dùng tay đập vỡ kính ô tô biển số tỉnh Đắk Lắk và đánh 2 cái vào người tài xế ở bên trong xe. Sau đó, ông Giang còn lấy mỏ lết tấn công tới tấp nam tài xế khiến nhiều người bên trong hoảng loạn, la hét.

Trước đó, chiều 5/7, bà N.P.H (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) điều khiển xe máy chở theo một em bé khoảng 14 tháng tuổi, lưu thông trên đường Trường Chinh, hướng từ quận 12 về quận Tân Bình.

Khi đến giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Phú, TPHCM), bà H đã cho xe len lỏi vào giữa 2 xe ô tô và có lời qua, tiếng lại với ông T.T.C (66 tuổi, quê Bình Dương, tài xế ô tô công nghệ).

Do tức giận, ông C. dừng xe và dùng tay đánh 2 cái vào mặt của bà H làm bà và cháu bé té ngã xuống đường. Bà H bị trầy xước ở chân và cháu bé bị bầm ở trán. Sau khi đánh bà H, ông C đã bỏ mặc người phụ nữ và lên xe rời đi. Hành vi của ông C được camera an ninh ghi lại và đăng tải trên mạng xã hội khiến người dân phẫn nộ.

Cái giá phải trả cho hành vi hung hăng

Chỉ trong tháng 12, cơ quan công an tại TPHCM đã khởi tố 5 người về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng” do ẩu đả, đánh người sau va quẹt xe trên đường. Đây là con số đáng báo động về cách ứng xử thiếu văn hóa giao thông của một bộ phận người dân. Cái giá phải trả cho hành vi này đó là họ vướng vào vòng lao lý.

Ngày 24/12, báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông”. Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia cũng như những người tham gia giao thông chia sẻ quan điểm, ý kiến của mình, cùng nhau nhận diện, mổ xẻ thực trạng đáng báo động từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao văn hóa giao thông trong một xã hội văn minh, hiện đại.

Trường hợp ông Quách Minh Nhựt là người đã hành hung một người khác đến bất tỉnh dù đang chở mẹ ruột, vợ cùng con trai vừa mới sinh đến Bệnh viện Từ Dũ (quận 1) để khám bệnh ngày 14/12 là ví dụ điển hình khi đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 (TPHCM) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm chỉ sau 3 ngày xảy ra vụ việc.

Làm việc với công an, ông Nhựt thành khẩn khai báo về hành vi gây thương tích cho ông T, phù hợp với tài liệu chứng cứ cơ quan điều tra đã thu thập. Ông Nhựt tỏ ra hối lỗi về hành vi của bản thân và mong muốn gia đình ông T bỏ qua.

Tuy nhiên, ông T đã có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với ông Nhựt và mong muốn cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Camera ghi lại cảnh nam tài xế (khoanh tròn đỏ) đánh tới tấp người đàn ông. Ảnh cắt từ clip

Camera ghi lại cảnh nam tài xế (khoanh tròn đỏ) đánh tới tấp người đàn ông. Ảnh cắt từ clip

Tương tự, ngày 12/7, ông T.H.N (28 tuổi, quê Bạc Liêu) điều khiển lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, hướng từ đường An Dương Vương đi về đường Hồ Học Lãm. Trên quãng đường di chuyển, ông N ra tín hiệu xin đường đối với xe ô tô 7 chỗ đang lưu thông phía trước cùng chiều, tuy nhiên, xe ô tô này vẫn lưu thông bình thường, không có dấu hiệu nhường đường nên ông N bức xúc.

Đến giao lộ Võ Văn Kiệt - Hồ Học Lãm, khi cả 2 xe đang dừng chờ đèn đỏ thì ông N cầm theo ống sắt rỗng ruột xuống “nói chuyện” với người tài xế xe ô tô. Hành vi của ông N đã bị lực lượng chức năng cùng Công an phường An Lạc vào cuộc xử lý theo quy định.

Lãnh đạo PC08, Công an TPHCM cho biết, va chạm, tranh chấp trong các tình huống giao thông là điều không ai mong muốn nhưng quan trọng là cách cư xử và xử lý, giải quyết tình huống của những người điều khiển phương tiện. Hiện nay, một số tài xế đã không ngần ngại sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề khiến trật tự an toàn giao thông trở nên căng thẳng, phức tạp hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cố ý gây thương tích, vi phạm pháp luật và cần phải lên án. “Khi xảy ra các tình huống va chạm, tranh chấp hoặc tai nạn giao thông, người dân cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, tuân theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, chấp hành mọi quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông”, lãnh đạo PC08 khuyến cáo.

Mới đây nhất, chiều 20/11, H.M.T (19 tuổi, ngụ quận Bình Tân) điều khiển xe máy chở theo bạn gái 17 tuổi đi trên đường Hương lộ 3 hướng về đường Tân Kỳ Tân Quý.

Quá trình lưu thông, xe của T bị xe máy của người đàn ông cầm lái, chở theo thùng hàng suýt va chạm. Bực tức, T cho xe chạy vượt lên rồi dùng chân đạp vào xe của người đàn ông khiến nạn nhân cùng phương tiện ngã nhào xuống đường rồi cho xe vọt đi.

Sự việc khiến người dân phẫn nộ vì hành vi của T côn đồ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau khi xác minh, Công an quận Bình Tân đã xử phạt T về hành vi Cố ý gây thương tích hoặc xâm phạm sức khỏe của người khác với số tiền 6,5 triệu đồng.

Cần giải quyết mâu thuẫn trong ôn hòa

Trung tá, tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân cho biết, va quẹt khi lưu thông trên đường tại TPHCM là chuyện xảy ra như cơm bữa vì đường xá chật chội. Đụng chạm khi lái xe là điều không thể tránh khỏi và nhiều người quá quen với việc này nên họ có cách ứng xử mềm mại, giải quyết trong ôn hòa và chỉ tranh cãi một chút rồi đường ai nấy đi.

Tuy nhiên, một số trường hợp cư xử thiếu văn hóa, thậm chí là sử dụng bạo lực, lấy hung khí ra để đánh nhau dẫn đến bị thương, nhập viện cấp cứu và gây cản trở giao thông.

“Cách cư xử văn hóa nhất khi không may xảy ra va chạm là người trong cuộc cần bình tĩnh, kiểm soát hành vi để tìm hướng giải quyết cho phù hợp và nếu hai bên không hòa giải được thì cần nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp.

Điều này nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được vì mỗi người đều có một áp lực riêng khi lái xe trên đường nên không phải ai cũng đủ bình tĩnh để xử lý” Trung tá Lâm nói và cho biết, để giải quyết căn cơ thực trạng trên, mỗi người dân cần phải chấp hành nghiêm luật giao thông, nâng cao văn hóa ứng xử khi lưu thông trên đường và cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để ngăn ngừa.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Văn Tuấn - (Đoàn Luật sư TPHCM khuyến cáo người dân cần có thái độ bình tĩnh, đừng để cảm xúc xen lẫn quá nhiều khi phát sinh những sự cố trên đường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, không đáng có.

“Khi va chạm giao thông, các bên phải hết sức kiềm chế, bình tĩnh để giải quyết hậu quả xảy ra. Trường hợp không giải quyết được có thể nhờ đến lực lượng chức năng giải quyết, tránh trường hợp lớn tiếng, cự cãi; chửi bới, xúc phạm nhau; sử dụng vũ lực để giải quyết… có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như cố ý gây thương tích, giết người; đập phá, hủy hoại tài sản; gây rối trật tự công cộng…”, ông Tuấn nói và cho hay, tùy theo tính chất mức độ cũng như đặc điểm của hành vi, có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Hoàng Thuận - Nguyễn Dũng - Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghiem-tri-thoi-con-do-tren-duong-pho-post1703167.tpo