Nghiên cứu cấm xe đi ban đêm ở khu vực nguy cơ sạt lở cao

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, số người chết do thiên tai đã lên tới 68 người, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai sẽ có văn bản đề xuất cấm đi xe ban đêm ở các tuyến đường, khu vực không an toàn để hạn chế rủi ro.

Lo ngại mưa sau áp thấp nhiệt đới gây lũ quét, sạt lở

Sáng 15/7, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và Thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (15/7), vị trí tâm ATNĐ ở 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa với sức gió cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Theo ông Lâm, với phân bố trường mây ATNĐ từ hôm nay toàn bộ Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, sau đó mở rộng ra Bắc Bộ. Dự báo khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Ông Lâm cảnh báo, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là mưa trong và sau ATNĐ gây ra lũ quét, sạt lở đất ở phía nam Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An - Quảng Ngãi). Vùng núi Bắc Bộ, mưa mở rộng lên vùng núi Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu.

Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và Thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm thông tin về ATNĐ.

Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và Thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm thông tin về ATNĐ.

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h30 ngày 15/7, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn: 40.146 tàu/196.741 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó 1.037 tàu/6.187 người hoạt động tại vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi và quần đảo Hoàng Sa. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấm biển từ chiều 14/7.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, theo dự báo, ATNĐ có gió chỉ mạnh cấp 6 nhưng các địa phương cần lưu ý những tàu thuyền nhỏ, nếu vẫn để ra khơi thì có nguy cơ bị tai nạn.

Các địa phương cũng cần kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp, bởi hiện nay chỉ cần mưa lớn trên 100mm thì nguy cơ ngập lụt ở các khu đô thị rất cao.

Ông Luận kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát các tuyến đường xảy ra sự cố, sạt lở; cần phân luồng phân tuyến, hạn chế, cấm không cho người dân đi vào các tuyến đường này.

Số người chết do thiên tai tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay số người chết do thiên tai đã lên tới 68 người, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là vấn đề lớn các đơn vị cần nhìn nhìn nhận để có chỉ đạo khi đến thời điểm này mùa mưa lũ chưa bắt đầu.

Với cơn ATNĐ, ông Hiệp cho rằng, dự báo có thể nhẹ hơn, gió mạnh ở trên bờ có thể ít. Tuy nhiên, mưa lớn có thể gây ngập úng tại các khu đô thị ở Nam Trung Bộ, do đó các địa phương không được chủ quan, đồng thời cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống cống rãnh.

Theo Thứ trưởng Hiệp, năm nay thiên tai được đánh giá rất cực đoan, từ nay đến cuối năm dự báo sẽ có vài trận bão đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam. Lịch sử cho thấy cứ năm Giáp Thìn thường xảy ra lũ lụt lớn, mưa nhiều. Cách đây 60 năm, Việt Nam xuất hiện trận lụt khủng khiếp, lớn nhất trong lịch sử ở miền Trung. Do đó, các đơn vị và địa phương cần hết sức chú ý, chủ động có những giải pháp đề phòng chống từ bây giờ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tại cuộc họp.

Ông Hiệp đề nghị tất các các địa phương từ nay đến cuối năm cần huy động phương tiện, lực lượng để rà soát các dòng chảy từ đầu nguồn, sông, suối cống rãnh, tránh xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở. Bởi thời gian qua, thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở, lũ quét gây ra.

Nói về vụ sạt lở đất khiến 11 người thiệt mạng ở Hà Giang, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nếu chiếc xe chở khách đi vào ban ngày sẽ không xảy ra sự cố. Bởi trước đó, tuyến đường này xảy ra sạt lở và lực lượng chức năng đã phải cấm đường để khắc phục.

“Sau vụ việc, tôi cũng đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nên cấm xe đi vào ban đêm ở những khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Hiện, quy định về Phòng chống thiên tai không có, nhưng chúng ta không để đợi. Sắp tới Ban chỉ đạo cũng sẽ có văn bản đề xuất phương án này. Trong trường hợp cảm thấy tuyến đường, khu vực không an toàn, có thể cấm xe đi ban đêm để hạn chế rủi ro”, Thứ trưởng Hiệp cho hay.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống...

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/nghien-cuu-cam-xe-di-ban-dem-o-khu-vuc-nguy-co-sat-lo-cao-i737432/