Nghiên cứu cho thấy năm 2023 rừng không thể giúp thế giới giảm lượng khí thải

Theo một nghiên cứu mới công bố, trong năm 2023, rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác không thể giảm được biến đổi khí hậu, vì hạn hán nghiêm trọng ở rừng Amazon và các vụ cháy rừng ở Canada gây cản trở khả năng hấp thụ khí carbon dioxide của rừng.

Cháy rừng gần khu vực Mistissini, Quebec, Canada được nhìn từ trực thăng của Lực lượng vũ trang Canada, 12/6/2023. (Nguồn: Reuters)

Cháy rừng gần khu vực Mistissini, Quebec, Canada được nhìn từ trực thăng của Lực lượng vũ trang Canada, 12/6/2023. (Nguồn: Reuters)

Các nhà nghiên cứu cho biết, điều đó có nghĩa là một lượng khí carbon dioxide kỷ lục đã xâm nhập vào bầu khí quyển vào năm ngoái, làm gia tăng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.

Cây cối giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng việc hấp thụ khí carbon dioxide, một loại khí nhà kính chủ yếu gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Trung bình rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác hấp thu gần 1/3 lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp, và các nguyên nhân khác do con người gây ra.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Philippe Ciais, một đồng tác giả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường của Pháp (LSCE), cho biết, bể chứa carbon đã sụp đổ.

“Bể chứa carbon giống như một chiếc máy bơm, và chúng ta đang bơm ít carbon từ bầu khí quyển vào đất hơn. Đột nhiên máy bơm bị nghẹt và nó bơm ít hơn”, Tiến sĩ Ciais nói trong một cuộc phỏng vấn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, do vậy, tỷ lệ tăng trưởng của khí carbon dioxide trong khí quyển đã tăng 86% vào năm 2023 so với năm 2022.

Các nhà khoa học ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Exeter (Anh) và LSCE đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu về nguyên nhân gây ra sự thay đổi này. Nghiên cứu của họ đã được trình bày ở Hội nghị về Carbon dioxide quốc tế ở Manaus, Brazil.

Ảnh chụp ngày 1/3/2024 từ máy bay không người lái cho thấy sông Rio Branco ở Boa Vista, bang Roraima, Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán. (Nguồn: Reuters)

Ảnh chụp ngày 1/3/2024 từ máy bay không người lái cho thấy sông Rio Branco ở Boa Vista, bang Roraima, Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán. (Nguồn: Reuters)

Nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính là nhiệt độ cao kỷ lục trên toàn cầu đã làm khô thảm thực vật ở Amazon và các rừng nhiệt đới khác. Điều này ngăn cản các khu rừng này hấp thụ thêm carbon trong khi đang có những vụ cháy kỷ lục ở Canada.

“Giả sử như bạn trồng cây ở nhà. Nếu bạn không tưới nước thì chúng sẽ không thể phát triển và không thể hấp thụ carbon. Đặt điều này vào quy mô lớn hơn như rừng Amazon”, Tiến sĩ Stephen Sitch, một đồng tác giả của nghiên cứu và chuyên gia carbon tại Đại học Exeter, cho biết.

Nghiên cứu này vẫn đang trong quá trình bình duyệt, nhưng có ba nhà khoa học không tham gia nghiên cứu cho rằng các kết luận của nghiên cứu là hợp lý.

Họ cho biết sự suy giảm của các bể chứa carbon trên cạn thường xảy ra vào những năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, như năm 2023. Nhưng nhiệt độ cao kỷ lục do biến đổi khí hậu khiến cho sự suy giảm của năm ngoái trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Một người đàn ông vác bình nước đi qua lòng sông Paraua khô cạn trong đợt hạn hán lịch sử ở Amazon, ở Careiro da Varzea, bang Amazonas, Brazil, ngày 26/10/2023. (Nguồn: Reuters)

Một người đàn ông vác bình nước đi qua lòng sông Paraua khô cạn trong đợt hạn hán lịch sử ở Amazon, ở Careiro da Varzea, bang Amazonas, Brazil, ngày 26/10/2023. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, hậu quả của sự suy giảm này trở nên nghiêm trọng hơn so với trước đây vì con người đang phát thải khí carbon dioxide nhiều hơn bao giờ hết.

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng bể chứa carbon của Trái đất thay đổi rất nhiều theo từng năm, và chỉ riêng một năm sẽ không gây ra thảm họa, nhưng sẽ rất báo động nếu những gì được quan sát vào năm 2023 trở thành một xu hướng.

“Đây là một lời cảnh báo”, Tiến sĩ Richard Birdsey của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Mỹ Woodwell, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. “Có khả năng cao là các năm như năm 2023 sẽ càng trở nên phổ biến”.

Tiến sĩ Anthony Walker, một nhà mô hình hóa hệ sinh thái của Phòng nghiên cứu quốc gia Oak Ridge tại Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết, các hệ sinh thái trên cạn hấp thụ càng ít carbon thì lượng nhiên liệu hóa thạch có thể đốt càng ít trước khi nhân loại vượt quá các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Tiến sĩ Trevor Keenan , một nhà khoa học về hệ sinh thái tại Đại học California, Berkeley, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: “Chúng ta không thể trông chờ vào hệ sinh thái để cứu chúng ta trong tương lai”.

NGUYÊN HOÀNG Theo Reuters

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghien-cuu-cho-thay-nam-2023-rung-khong-the-giup-the-gioi-giam-luong-khi-thai-post821824.html