Nghiên cứu đầu tư 6 dự án đường sắt quan trọng quốc gia
Bộ Xây dựng vừa giao các ban quản lý dự án lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án đường sắt, thực hiện năm 2025-2027.
Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt cho biết, 6 dự án này đều là dự án đường sắt quan trọng quốc gia, trong đó có hai dự án mới được giao nhiệm vụ nghiên cứu đầu tư gồm: Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Hai tuyến mới kết nối cửa khẩu, tăng cường giao thương
Dự án đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại Đồng Đăng (Lạng Sơn), đi qua 4 tỉnh, thành phố với chiều dài khoảng 156km. Tuyến được thiết kế đường đơn, điện khí hóa, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 160km/h, khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng sẽ được nghiên cứu đầu tư mới (Ảnh: Tàu hàng liên vận quốc tế từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc).
Tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái có chiều dài 187km, đi qua địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh. Dự án sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, với tổng mức đầu tư dự kiến 7 tỷ USD.
Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá, hai tuyến này đóng vai trò then chốt trong kết nối giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu quốc tế. Trong đó, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng nằm trong mạng lưới đường sắt xuyên Á (nhánh Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng), góp phần kết nối khu vực với châu Âu. Tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái không chỉ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn mở rộng tiềm năng phát triển du lịch giữa hai nước, kết nối Vịnh Hạ Long với các địa phương phía Nam Trung Quốc.
Đẩy nhanh nghiên cứu, chuyển giao chủ đầu tư
Bốn dự án còn lại gồm: tuyến TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vũng Áng - Mụ Giạ và Vành đai phía Đông Hà Nội, trước đây được giao cho Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư, nay đã được Bộ GTVT xem xét chuyển giao cho các Ban QLDA khác trực thuộc Bộ, nhằm phân bổ nguồn lực và phù hợp với năng lực triển khai.
Trong đó, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Tuyến dài khoảng 175km, đi qua sáu địa phương từ Bình Dương đến Cần Thơ. Quy mô đầu tư đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Trên tuyến dự kiến bố trí 12 ga, 3 depot, 4 trạm bảo dưỡng và có 5 cầu lớn vượt sông. Tàu khách có tốc độ thiết kế 160km/h, tàu hàng 120km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 9 tỷ USD.

Sơ đồ tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dài 132km, kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đi qua Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô đường đôi, điện khí hóa, với 17 ga chính tuyến, 4 ga trong cảng, 3 depot và tốc độ thiết kế 160km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6,1 tỷ USD.
Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ có chiều dài khoảng 105km, điểm đầu tại ga Mụ Giạ (Quảng Bình) - kết nối Lào, điểm cuối tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Tuyến sử dụng khổ 1.435mm, đường đơn, điện khí hóa, tốc độ 120km/h, có 9 ga và 1 depot. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,1 tỷ USD. Đây là tuyến huyết mạch trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Vành đai đường sắt phía Đông Hà Nội: Liên kết các tuyến quốc gia
Tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo) đã được quy hoạch trong mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Dự án có tổng chiều dài khoảng 59km (đến Thạch Lỗi), trong đó đoạn từ Ngọc Hồi đến Kim Sơn dài 31km đã được nghiên cứu với quy mô đường đôi, một khổ 1.000mm và một khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 120km/h, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo Ban QLDA Đường sắt, tuyến này giữ vai trò chiến lược trong tổ chức lại mạng lưới vận tải vùng Thủ đô, kết nối đồng bộ với các tuyến như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Do vậy, quá trình nghiên cứu, đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các dự án liên quan, đảm bảo tính liên thông và hiệu quả đầu tư.