Nghiên cứu đề xuất thành lập quỹ chống hàng giả
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất nghiên cứu thành lập quỹ chống hàng giả để tăng hiệu quả trong công tác này trên môi trường thương mại điện tử.
Tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức tại thành phố Đà Nẵng mới đây, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đề xuất nghiên cứu thành lập quỹ chống hàng giả để tăng hiệu quả công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đề xuất nghiên cứu thành lập quỹ chống hàng giả (Ảnh: Vũ Lê)
Theo ông Hoàng Ninh, trong tháng cao điểm kiểm tra xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (từ ngày 15/5 – 15/6) các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, trong khi không có sửa đổi luật gì liên quan đến kiểm tra. Từ thực tế này, cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tổ chức thực thi chống hàng giả, gian lận thương mại.
“Để tăng hiệu quả công tác tổ chức thực thi, chúng tôi đề xuất hình thức tăng cường hoạt động mua hàng kiểm tra để thu thập bằng chứng và xử lý thực tế”, ông Hoàng Ninh nói và đề xuất thành lập quỹ phục vụ hoạt động này. “Chúng ta nên đề xuất có một quỹ để người làm công tác chuyên môn sử dụng quỹ mua hàng trên môi trường mạng. Nếu sản phẩm mua là hàng giả thì xử lý. Một phần tiền xử lý vi phạm sẽ tái cấp cho quỹ. Không có quỹ thì không có cách nào xem hàng, không lẽ để người làm chuyên môn bỏ tiền túi đi mua hàng xem có vi phạm hay không. Đây là một nội dung theo chúng tôi nên xem xét”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Ảnh: Vũ Lê)
Theo ông Hoàng Ninh, hiện nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể như Trung Quốc đang có quỹ chống hàng giả có sự tham gia của cả nhà nước và các chủ thể quyền. Sự tham gia của nhà nước là sẽ trích một phần xử phạt đưa vào quỹ; đối với các chủ thể quyền là các nhãn hàng sẽ trích một phần lợi nhuận vào quỹ để các cơ quan chức năng thực thi pháp luật về chống gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, đề xuất nghiên cứu lập quỹ chống hàng giả cũng là đề xuất hợp lý, nếu làm tốt sẽ trợ lực cho lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. “Các lực lượng như quản lý thị trường muốn phân biệt, muốn xác định hàng thật, hàng giả đầu tiên phải có mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm, giám định, sau đó mới đề xuất các biện pháp tiếp theo. Vì vậy, nếu có quỹ cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống hàng giả”, ông Đông nói.

Giới thiệu hàng thật, hàng giả (Ảnh: Vũ Lê)
Tuy nhiên, ông Đông cũng đặt các vấn đề: quỹ do ai thành lập, hoạt động ra sao, kinh phí thế nào, hiện tại, ngân sách nhà nước sẽ không có trích nguồn cho những quỹ như này. Còn đối với công tác giám định hàng hóa thì đều có quy định chung, không có trích riêng ngân sách. Ở Việt Nam, một số hiệp hội đã có quỹ chống hàng giả, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động không cao, dần nhỏ lại. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ hơn đối với đề xuất về thành lập quỹ này.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghien-cuu-de-xuat-thanh-lap-quy-chong-hang-gia-409673.html