Nghiên cứu đường sắt kết nối vùng đồng bằng sông Hồng
Ngày 20-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), chủ trì hội nghị lần thứ nhất của hội đồng.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ đây là bước cụ thể triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị; đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thủ tướng cho biết vùng gồm 11 tỉnh, thành phố, chiếm 6,42% diện tích cả nước (21.278 km2). Vùng có trình độ phát triển kinh tế thứ hai trên cả nước, sau vùng Đông Nam Bộ. Hệ sinh thái giao thông cơ bản đầy đủ, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển). Vùng có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao.
Về định hướng liên kết vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực; kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng; về tài chính, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước và đẩy mạnh liên kết, hợp tác công tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) và liên kết thu hút đầu tư FDI, nguồn vốn ODA; liên kết phát triển hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở), y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Thủ tướng cũng nêu rõ 11 nhiệm vụ cụ thể trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đáng chú ý, là đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố trong quý III/2023, Hà Nội trong quý IV/2024. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển vùng. Khẩn trương nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc… Nghiên cứu thành lập hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng.