Nghiên cứu giảm số lượng các bộ, chuẩn bị lộ trình cải cách tiền lương

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất giảm hợp lý số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

Nghiên cứu giảm số lượng các bộ

Chiều 16/6, tại Hà Nội, trong họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ, ông Trần Văn Khiêm, Vụ phó Tổ chức - Biên chế cho biết, Bộ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ông Trần Văn Khiêm, Vụ phó Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ)

Ông Trần Văn Khiêm, Vụ phó Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ)

Một trong những nhiệm vụ được Bộ Nội vụ đề ra là tiếp tục tham mưu đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; giảm hợp lý số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách sẽ được nâng cao. Quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Nội vụ cũng đặt nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền phù hợp với từng địa bàn.

Theo ông Khiêm, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 vẫn giữ như hiện nay. Việc nghiên cứu giảm các bộ phù hợp với Nghị quyết Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị.

"Để xây dựng đề án cơ cấu Chính phủ khóa 16 cần nghiên cứu, tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ từ khóa 12 - 15. Việc này phải báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội", ông Khiêm cho hay và nhắc lại, việc giảm bộ nào thì cần tổng kết thực tiễn.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nói thêm, đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu giảm số bộ nhằm thể chế chủ trương, đường lối của Đảng. Mục tiêu là xây dựng bộ máy tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục chồng chéo.

Tuy nhiên, "đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm vì động chạm đến cơ cấu các bộ, cơ quan ngang bộ, nên cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng".

"Hiện Bộ Nội vụ chưa có đề xuất cụ thể về việc sáp nhập bộ này vào bộ kia hoặc giảm bộ nào", ông Minh nói.

Đang xây dựng báo cáo về lộ trình cải cách tiền lương

Tại họp báo, PV đặt câu hỏi: "Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Vậy tiến độ và lộ trình về cải cách tiền lương hiện nay như thế nào?"

Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Bích Thu - Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương cho hay, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Bích Thu - Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ)

Bà Nguyễn Bích Thu - Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ)

Theo Nghị quyết 27, việc cải cách tiền lương được thực hiện từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do nhiều tác động bất lợi từ trong nước và quốc tế, đặc biệt từ tháng 4/2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nguồn thu của ngân sách nhà nước nên chúng ta chưa thực hiện được cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Bà Nguyễn Bích Thu cho biết, trước mắt, để chia sẻ với khó khăn chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần cho đội ngũ này yên tâm công tác, Quốc hội đã có Nghị quyết 69 và sau đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ và Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023.

Cùng với việc này, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng ngay các thông tư hướng dẫn thực hiện và sẽ trình ký trong tháng này để đảm bảo 1/7/2023 thực hiện đồng thời với hiệu lực của Nghị định.

Về nội dung cải cách tiền lương theo chương trình của Nghị quyết 27 của Trung ương, bà Nguyễn Bích Thu thông tin, Bộ Nội vụ đang xây dựng báo cáo về lộ trình cải cách tiền lương. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước sẽ họp và cho ý kiến vào báo cáo này và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bà Nguyễn Bích Thu cho biết, cũng liên quan tới việc này, căn cứ vào đề nghị của Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan sẽ phối hợp để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27.

Chủ trương giảm hợp lý số bộ, cơ quan ngang bộ được nêu trong Nghị quyết Trung ương hồi tháng 11/2022.

Cơ cấu tổ chức Chính phủ từ năm 2022 đến nay đã có nhiều thay đổi. Thời điểm 2022 - 2027, Chính phủ có 26 bộ ngành và 12 cơ quan trực thuộc. Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ còn 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc.

Các bộ gồm: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Bốn cơ quan ngang bộ là Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

8 cơ quan thuộc Chính phủ gồm: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghien-cuu-giam-so-luong-cac-bo-d594456.html