Nghiên cứu hơn 200.000 người phát hiện nguy cơ đau tim tăng gấp đôi vì 2 yếu tố 'rất gần' chúng ta

Một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Circulation chỉ ra rằng nguy cơ đau tim có thể tăng gấp đôi khi con người tiếp xúc với nhiệt độ cao và mức độ ô nhiễm không khí hạt mịn cao.

Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 202.000 ca tử vong do đau tim trong vòng 5 năm ở Giang Tô, Trung Quốc phát hiện ra rằng nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng cùng với ô nhiễm không khí hạt mịn nghiêm trọng làm tăng nguy cơ đau tim và dẫn tới tử vong.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đợt nắng nóng kéo dài 4 ngày kèm theo tình trạng ngày ô nhiễm hạt bụi mịn có kích thước trên 37,5 microgam/m3 có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do đau tim.

Đáng chú ý, phụ nữ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ tử vong do đau tim cao nhất. Độ tuổi tử vong do đau tim vào những ngày nắng nóng và ô nhiễm trung bình là 77,6 tuổi, với 52% những người trên 80 tuổi đã qua đời.

Mức nhiệt độ cao trong mức 28 - 36 độ C kéo dài liên tiếp 2 ngày có thể làm tăng 18% nguy cơ tử vong do đau tim. Đợt nắng nóng có mức nhiệt từ 34.8 - 43 độ C và kéo dài 4 ngày liên tiếp có thể làm tăng 74% nguy cơ tử vong do đau tim.

Tác giả của nghiên cứu Yuewei Liu, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc cho biết: “Các hiện tượng nhiệt độ cực đoan đang diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn, đồng thời chúng cũng gây ra những tác động xấu đến sức khỏe”.

Nhiệt độ và mức độ ô nhiễm không khí hạt mịn có thể làm tăng nguy cơ đau tim.

Nhiệt độ và mức độ ô nhiễm không khí hạt mịn có thể làm tăng nguy cơ đau tim.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng mọi người sẽ cần chú ý nhiều hơn đến thời tiết trước khi ra ngoài và cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để bảo vệ sức khỏe trái tim và sức khỏe tổng thể khi tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp, nhiệt độ tăng cao hoặc giảm đột ngột.

Các tác giả nhấn mạnh rằng những người có nguy cơ bị đau tim hoặc mắc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như người già và trẻ nhỏ nên ở trong nhà vào những ngày nắng nóng cao điểm và có chất lượng không khí kém.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo người dân cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân như:

- Đeo khẩu trang N95 khi ra đường hoặc đến những khu vực có mức độ ô nhiễm cao.

- Hạn chế ra đường vào các thời điểm nắng nóng khắc nghiệt.

- Uống đủ nước.

- Chủ động, thường xuyên theo dõi chất lượng không khí.

- Sử dụng quạt, điều hòa khi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

- Lắp rèm cửa sổ để giảm nhiệt độ trong nhà.

- Sử dụng máy lọc không khí để giảm các chất ô nhiễm trong nhà.

- Tránh đi bộ ở khu vực đường phố đông xe cộ qua lại.

- Tập thể dục thường xuyên, lựa chọn các bài tập trong nhà phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Nguồn: CNN, NYPost, Washingtonpost

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghien-cuu-hon-200000-nguoi-phat-hien-nguy-co-dau-tim-tang-gap-doi-vi-2-yeu-to-rat-gan-chung-ta-20230729114028445.htm