Nghiên cứu lộ trình và ưu đãi cho dự án phát triển xanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều giải pháp được đề ra để gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay như tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ giảm chi phí, thủ tục mà có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu phương án ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng những dự án về phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cũng là một giải pháp cần thiết để gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Trong ảnh là công nhân làm việc tại một doanh nghiệp. Ảnh: H.T

Hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cũng là một giải pháp cần thiết để gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Trong ảnh là công nhân làm việc tại một doanh nghiệp. Ảnh: H.T

Trong buổi gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp diễn ra ngày 11-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TTXVN đưa tin.

Cụ thể, bộ đề nghị các đơn vị liên quan xác định rõ việc cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Hệ thống cũng cần thống nhất việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Các đơn vị tiếp tục công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm gánh nặng chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; gỡ bỏ những khó khăn của việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp; nghiên cứu phương án ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng vào doanh nghiệp những dự án về phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển…

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Các bộ ngành, địa phương theo dõi tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…, đưa ra cảnh báo cho ngành hàng và doanh nghiệp liên quan. Đồng thời, cơ quan cũng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng những lợi thế như các cam kết tại các FTA; tập trung thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đặc biệt qua các nền tảng số và thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cũng là một giải pháp cần thiết. Trong đó, đơn vị tập trung hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng; nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp.

Bộ, ngành, địa phương cũng cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Dự báo từ nay đến những tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp những khó khăn như sức mua của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn yếu, doanh thu sụt giảm, sự phục hồi của đơn hàng còn chậm. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm hoặc cắt giảm lao động.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đang đối mặt với những áp lực về chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Việc gia tăng các biện pháp về phòng vệ thương mại của các nước cùng với xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững cũng đang tạo ra những thách thức mà doanh nghiệp cũng cần nắm bắt và vượt qua.

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nghien-cuu-lo-trinh-va-uu-dai-cho-du-an-phat-trien-xanh/