Nghiên cứu mô hình mới cho phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn
Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã và đang được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành trong ban hành các chính sách khung thuận lợi giúp nhanh chóng hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm đô thị- công nghiệp và dịch vụ khu vực ven biển.
Tại buổi thăm và làm việc tại Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn, ngày 1/3, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của KKT Nghi Sơn đối với không chỉ Thanh Hóa, các tỉnh lân cận mà với cả nước.
Từ khi được thành lập theo Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 18.611,8 ha, KKT Nghi Sơn đã nhận được sự quan tâm sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa trong xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút 227 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 129.483 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.693 triệu USD.
Hiện 100 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh toàn bộ hoặc một phần trở thành đầu tầu kinh tế trong KKT. Tiêu biểu, năm 2019, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt khoảng 90% công suất, đóng góp cho ngân sách khoảng 12.500 tỷ đồng, từ 2020 trở đi, khi đạt 100% công suất, dự án sẽ nộp ngân sách khoảng từ 25.000 - 29.000 tỷ đồng; Khu liên hợp Luyện cán thép Nghi Sơn theo quy hoạch có tổng công suất 7 triệu tấn/năm, hiện nay đã đi vào hoạt động dây chuyền 1A thuộc giai đoạn 1 với công suất 600.000 tấn/năm bao gồm các sản phẩm phôi thép và thép cuộn, dây chuyền 1B công suất tương tự cũng sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020…
Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi (cảng biển, đường quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt), KKT Nghi Sơn ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới: Tập đoàn Exxonmobil (Mỹ) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đề xuất khoảng 5 tỷ USD; Tập đoàn Foxcon (Đài Loan) nghiên cứu đầu tư tổ hợp sản xuất chip điện tử với tổng mức đề xuất khoảng 3 tỷ USD; Tập đoàn Mintal (Hong Kong) nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất thép màu với tổng mức đề xuất khoảng 2 tỷ USD...
Mặc dù có sự nhảy vọt trong thu hút đầu tư, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tuy vậy theo đại diện Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (Ban quản lý), kết cấu hạ tầng của KKT vẫn thiếu và yếu so với nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế, hiện KKT cần khoảng 5.000 tỷ đầu cho thi công các hạng mục hạ tầng.
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý vẫn bị một số luật khác chi phối. Do vậy, đại diện Ban quản lý cho rằng, cần sớm có luật riêng về khu công nghiệp, KKT và nghiên cứu để xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn theo mô hình KKT đặc biệt.
Trước đề xuất của đại diện Ban Quản lý, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu các mô hình trên thế giới, có cơ chế mới, phù hợp để xây dựng, thúc đẩy KKT ngày càng phát triển hơn. Đồng chí cũng yêu cầu các Bộ, ngành cần phối hợp làm rõ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho KKT Nghi Sơn. Ban Kinh tế Trung ương cũng sẽ tổng hợp để có ý kiến với Chính phủ, sớm có chính sách chung cho KKT Nghi Sơn, ngành dầu khí cũng như cho các KKT, khu công nghiệp khác.