Nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Theo Chủ tịch Quốc hội, thách thức lớn hiện nay là làm sao đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở.

Quan tâm tác động đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế

Ngày 25/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. (Ảnh: Quốc hội)

Đồng thời, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh...

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc dự thảo Luật đã lược bỏ một số nội dung để đảm bảo sát với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh và trong bối cảnh Luật được xây dựng theo quy trình một kỳ họp. Những nội dung chưa được kiểm chứng trong thực tế, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng và thực hiện có lộ trình.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện Hồ sơ. Trong đó cần quan tâm tác động đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế khi mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi được hưởng cho người đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tỷ lệ được hưởng ở một số đối tượng để bảo đảm tính khả thi, tính thuyết phục của phương án lựa chọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Quốc hội)

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách hành chính trong khám, điều trị bệnh bảo hiểm y tế thường xuyên được nhân dân nêu trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cần được tiến hành một cách cẩn trọng, nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, bảo hiểm y tế là một cơ chế tài chính y tế đồng thời là chính sách an sinh xã hội thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thách thức lớn hiện nay là làm sao đảm bảo tốt hơn quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở.

Vì thế, điều chỉnh Luật Bảo hiểm y tế phải bám sát các nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan; tháo gỡ những bất cập, vướng mắc khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn. Theo Chủ tịch Quốc hội, chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là quy định nhân văn nhưng cần được xem xét, cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Nhiều cải cách trong khám chữa bệnh

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Đây là quy định rất cần thiết nhằm nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cần rà soát để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua.

Về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế, mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế đối với các hoạt động khám, chẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe, điều trị sớm một số bệnh…

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, tỷ lệ độ bao phủ bảo hiểm y tế trong những năm qua ngày càng tăng và tiệm cận với bảo hiểm y tế toàn dân. Năm 2024 mục tiêu đưa ra là độ bao phủ khoảng trên 94% người dân tham gia và đến hết 2025 tối thiểu khoảng 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Theo ông Mạnh, một năm trung bình có gần 180 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng gần 50 triệu người.

“Như vậy với dân số của chúng ta cơ bản một nửa đi khám chữa bệnh tối thiểu được một lần trong năm với số lượt khám chữa bệnh là 180 triệu. Trong đó để đảm bảo việc thanh toán đầy đủ và cải cách thủ tục hành chính cho 180 triệu lượt này cũng là sự hết sức cố gắng của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành y tế trong việc vừa đảm bảo quyền lợi nhưng vừa phải đảm bảo cân đối quỹ”, ông Mạnh nói.

Cũng theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vướng mắc trong thanh toán về chi phí khám chữa bệnh đã được Bộ Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội Việt nam phối hợp rất chặt chẽ, năm 2024 đã giải quyết khoảng gần 10.000 tỷ đồng vướng mắc từ 2016 đến nay.

Ông Mạnh cũng cho hay, đã có nhiều cải cách trong khám chữa bệnh, người đi khám có thể sử dụng VssID, VNeID hoặc thẻ Căn cước công dân mà không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy. Cơ sở dữ liệu về người khám chữa bệnh cũng đã được lưu trữ đầy đủ, được đưa lên hệ thống và được khai thác, quản lý, đặc biệt là chống được trục lợi trong bảo hiểm y tế...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghien-cuu-mo-rong-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-178049.html