Nghiên cứu mới giúp dự đoán khi nào bão Mặt trời bùng phát
Bão Mặt trời là hiện tượng các hạt tích điện phóng ra từ Mặt trời có năng lượng cao, đặc biệt gây hại đến các thiết bị điện tử trên mặt đất cũng như các thiết bị trong không gian.
Tuy nhiên, giờ đây, các nhà khoa học đã có trong tay những công cụ có thể dự đoán tốt hơn khi nào những đợt bùng phát bão Mặt Trời sẽ xảy ra, từ đó tìm biện pháp phòng tránh.
Các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) đã sử dụng một mô hình siêu máy tính mới, giúp hiểu rõ hơn về cách thức các hạt năng lượng này được hình thành ở Mặt trời và bắn ra xung quanh.
Các siêu máy tính đã tạo ra các môi trường mô phỏng chuyển động chính xác của các hạt electron và ion trong plasma của Mặt trời (chất khí chứa các ion và các hạt electron tự do), từ đó cung cấp các dữ liệu về cách thức và thời điểm các hạt năng lượng cao này được hình thành.
Trên thực tế, nghiên cứu này đã trả lời cho những câu hỏi từng được nêu ra trong hơn 70 năm trước, từ khi nhà vật lý người Italy Enrico Fermi bắt đầu coi từ trường trong không gian vũ trụ như một nguồn có khả năng tạo ra các hạt năng lượng cao. Ông gọi các hạt năng lượng này là các "tia vũ trụ".
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khám phá mới nhất có thể có ý nghĩa rộng rãi, giúp hiểu rõ hơn về hoạt động của các hạt năng lượng cao trong khắp vũ trụ.