Nghiên cứu mới: Không lo bị cảm lạnh nếu đã mắc COVID-19

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

* Nguy cơ tử vong cao ở bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý tiểu đường

SARS-CoV-2 gây COVID-19 là một loại virus thuộc "đại gia đình" virus corona gồm nhiều chủng loại, trong đó có các loại virus gây cảm lạnh thông thường, do đó, người đã mắc COVID-19 có thể sẽ không bị cảm lạnh.

Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Scripps ở TP La Jolla, bang California (Mỹ). Theo các nhà nghiên cứu, vì các chủng virus trong họ corona có các protein gai tương đối giống nhau, các kháng thể trong hệ miễn dịch chống lại protein của một chủng virus trong họ này cũng có thể nhận ra những protein gai ở các chủng virus corona khác.

Điều này cho thấy phơi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giúp chống lại các chủng virus corona khác, trong đó có các chủng virus gây cảm lạnh.

Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 11 người để kiểm tra kháng thể trong huyết thanh giúp chống viêm nhiễm. Trong số đó, 8 mẫu được thu thập trước khi dịch COVID-19 bùng phát và 3 mẫu của người mới mắc COVID-19 gần đây.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra phản ứng của các mẫu xét nghiệm với các protein gai phân tách từ các chủng virus corona khác nhau là OC43 và HKU1 - hai chủng virus liên quan đến bệnh cảm lạnh thông thường, cũng như SARS-CoV-2 và SARS-CoV-1 gây hội chứng hô hấp cấp (SARS) và MERS-CoV gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Kết quả cho thấy chỉ có kháng thể huyết thanh từ bệnh nhân COVID-19 phản ứng với các protein gai từ SARS-CoV-2 và chúng cũng phản ứng mạnh hơn so với các mẫu kháng thể thu thập trước đại dịch đối với các protein gai của virus gây cảm lạnh thông thường cũng như các chủng virus corona khác.

Bà Sandhya Bangaru - một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết hầu hết mọi người đều có khả năng miễn dịch cơ bản đối với các virus corona thông thường, và việc phơi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ làm tăng mật độ của các kháng thể này.

Với nghiên cứu này, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ phát triển các loại vắc xin hiệu quả hơn ứng phó với các loại virus corona khác nhau, từ đó có thể ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh bùng phát do virus corona gây ra trong tương lai.

Trong một nghiên cứu khác, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao gấp đôi khi mắc COVID-19 so với những người không có bệnh lý nền này.

Đây là kết luận được các nhà khoa học thuộc Đại học Aberdeen (Scotland của Anh) đưa ra trong nghiên cứu thực hiện với các chuyên gia tại Đại học King's College London.

Theo nghiên cứu, ở những người này, nguy cơ bệnh COVID-19 diễn tiến nặng và nghiêm trọng cao gấp 3 lần. Tuy nhiên, nguy cơ này giảm khi lượng đường trong máu được kiểm soát.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên sau khi phân tích 158 nghiên cứu, trong đó có hơn 270.000 người tham gia. Nghiên cứu cho biết khi mắc COVID-19, những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với bệnh nhân không bị tiểu đường.

Những người mắc bệnh tiểu đường còn cần phải chăm sóc đặc biệt, bổ sung oxy hoặc khi nhập viện trong tình trạng nguy kịch hơn so với những bệnh nhân không mắc bệnh.

Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Trung Đông có nguy cơ tử vong cao hơn so với bệnh nhân từ các nước châu Âu hoặc Mỹ do sự khác biệt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/276331/nghien-cuu-moi--khong-lo-bi-cam-lanh-neu-da-mac-covid-19.html