Nghiên cứu nọc rắn, mở hy vọng thuốc giải 'made in Viet Nam'
Nghiên cứu protein nọc rắn Chàm quạp của sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên mở ra triển vọng mới phát triển huyết thanh kháng nọc rắn 'made in Viet Nam'.
Trong số các loài rắn độc phổ biến, thường gặp, rắn Chàm quạpđược xếp vào nhóm nguy hiểm với tỷ lệ gây thương tích cao, kèm theo nhiều biến chứng nghiêm trọng như hoại tử, tổn thương mô sâu và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu trong nước về độc tố của loài rắn này còn hạn chế, trong khi huyết thanh giải độc chủ yếu vẫn phải nhập khẩu với chi phí cao và hiệu quả không tối ưu do sự khác biệt sinh học giữa các quần thể rắn ở từng khu vực địa lý.
Từ những bất cập thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thực thiện đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu protein trong nọc độc rắn Chàm quạp Calloselasma rhodostoma (Kuhl, 1824) ở Việt Nam, hướng tới trung hòa độc tố”.
Mục tiêu là vừa định danh, phân tích đặc tính sinh học của các thành phần protein độc tố, vừa đánh giá khả năng trung hòa của các huyết thanh hiện có, một bước tiến quan trọng hướng tới phát triển các liệu pháp điều trị nội địa, phù hợp với điều kiện sinh học và kinh tế trong nước.
Đề tài đã xuất sắc giành giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường.

Rắn chàm quạp. Nguồn: Chi cục kiểm lâm Bắc Giang.
Mở tiềm năng ứng dụng y học với sự khác biệt nọc rắn Việt Nam
Đại diện nhóm nghiên cứu, sinh viên Vũ Bảo Minh, K67 cho hay, nghiên cứu đã xác định được hai họ enzyme chính có hoạt tính sinh học mạnh trong nọc rắn Chàm quạplà metalloproteinase (SVMP) và serine protease (SVSP). Đây là các enzym đóng vai trò trung tâm trong việc gây ra các tác động độc hại như xuất huyết, phá hủy mô và rối loạn đông máu khi con người bị rắn cắn.
Một phát hiện quan trọng của nhóm, là đã xác định được một số thành phần enzym trong nọc rắn có tiềm năng sử dụng trong điều trị, đặc biệt là enzyme PLA2 – vốn đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu quốc tế có khả năng kháng viêm và chống khối u, bao gồm u xơ, ung thư biểu mô tuyến, bệnh bạch cầu…

Nhóm nghiên cứu “Nghiên cứu protein trong nọc độc rắn Chàm quạp Calloselasma rhodostoma (Kuhl, 1824) ở Việt Nam, hướng tới trung hòa độc tố”.
“Những phát hiện này không chỉ góp phần làm rõ độc tính của nọc rắn mà còn mở ra hướng ứng dụng trong công nghệ sinh học và y học điều trị ung thư, một lĩnh vực đang được quan tâm mạnh mẽ hiện nay”, Vũ Bảo Minh chia sẻ.
Cùng với đó, nhóm đã bước đầu thực hiện các thử nghiệm về khả năng trung hòa độc tố bằng các chất ức chế đặc hiệu và huyết thanh kháng nọc, sử dụng mô hình cá ngựa vằn. Kết quả sơ bộ cho thấy khả năng trung hòa độc tố của một số loại huyết thanh hiện hành là chưa cao, từ đó càng nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc phát triển các loại huyết thanh nội địa, phù hợp với quần thể rắn tại Việt Nam.
Một phát hiện đáng chú ý khác của nhóm là sự khác biệt về tỷ lệ các enzyme độc trong nọc rắn Chàm quạp tại Việt Nam so với các nghiên cứu quốc tế về cùng loài. Điều này gợi mở rằng sự đa dạng sinh học theo vùng địa lý có thể ảnh hưởng đáng kể đến tính chất sinh học của nọc rắn – một yếu tố rất quan trọng khi thiết kế phác đồ điều trị hoặc sản xuất huyết thanh đặc hiệu.
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có thể giúp thiết lập cơ sở dữ liệu độc tố học đặc thù của Việt Nam, làm nền tảng cho các chiến lược phòng chống và điều trị tai nạn rắn cắn hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp hơn.
Tận dụng tri thức bản địa phát triển thuốc giải độc “thuần Việt”
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, cán bộ nghiên cứu tại Viện Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đồng hướng dẫn nhóm nghiên cứu đánh giá, đây là một đề tài có tính chất nghiên cứu thực nghiệm cao, đòi hỏi thao tác chính xác, kiến thức liên ngành và kỹ năng phân tích dữ liệu, những điều không hề dễ dàng với sinh viên đại học.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đánh giá cao tinh thần cầu tiến và nghiêm túc của các sinh viên.
“Việc các em lựa chọn một hướng đi khó, ít người theo đuổi nhưng có tác động thực tiễn rõ ràng là điều rất đáng trân trọng. Tôi tin rằng, nếu được tiếp tục đầu tư và đồng hành, nhóm có thể phát triển thành một tập thể nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực độc tố tự nhiên và sinh dược học ứng dụng”, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo cho hay.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu chuyên sâu, đại diện nhóm nghiên cứu Vũ Bảo Minh cho biết: để đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhóm đã tiến hành thu mẫu nọc độc rắn Chàm quạp trong điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sinh học và đạo đức nghiên cứu. Việc lấy mẫu nọc rắn – vốn là công việc khó khăn và nguy hiểm – được thực hiện dưới sự hướng dẫn sát sao của các giảng viên có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn. Đây là nền tảng giúp đảm bảo độ tin cậy và an toàn cho toàn bộ quá trình nghiên cứu.
Đặc biệt, để tăng tính chính xác trong định danh loài, nhóm kết hợp phương pháp truyền thống là phân tích hình thái học với kỹ thuật sinh học phân tử – một hướng tiếp cận hiện đại và phù hợp với xu hướng nghiên cứu toàn cầu hiện nay. Trên nền tảng xác định loài chính xác, nhóm tiến hành phân tích các protein trong nọc rắn bằng các phương pháp như điện di protein, zymogram, kỹ thuật Anson cải tiến, và kiểm tra hoạt tính enzyme trên đĩa thạch agar.
Thời gian tới, nhóm sẽ phát triển ứng dụng thực tiễn từ đề tài. Nhóm đặt mục tiêu ứng dụng các kiến thức từ y học cổ truyền, kết hợp với công nghệ hiện đại để sàng lọc các hợp chất thực vật có thể ức chế độc tố, một hướng đi hứa hẹn, tận dụng tri thức bản địa để phát triển thuốc giải độc “thuần Việt”.
Đặc biệt, nhóm hiện đã bước đầu thiết lập hợp tác với các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai nhằm kiểm nghiệm khả năng ứng dụng và tiềm năng lâm sàng của các phát hiện nghiên cứu.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thực tế điều trị – điều vốn là thách thức không nhỏ trong nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay.