Nghiên cứu từ Úc: Có thể rước bệnh nan y chỉ vì… ngoáy mũi
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy cách mà thói quen ngoáy mũi hay táy máy những sợi lông mũi có thể dẫn tới căn bệnh mà cả thế giới đau đầu không tìm ra thuốc chữa.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Trường Đại học Griffith - Úc cảnh báo rằng Chlamydia peumoniae, một loại vi khuẩn nguy hiểm, có thể sử dụng những dây thần kinh kéo dài giữa khoang mũi và não như một con đường để xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.
Các tế bào trong não sẽ phản ứng trước kẻ xâm nhập này bàng một quá trình có hại: Tích tụ amyloid beta. Từ lâu, các mảng amyloid beta đã được cho là nguyên nhân dẫn đến Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác.
Đó sẽ là một điều vô cùng nghiêm trọng bởi nhóm bệnh sa sút trí tuệ là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe nhân loại, gây tử vong sớm và ngày càng gia tăng, hầu như không thể đảo ngược. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu các phương pháp điều trị căn bệnh này, nhưng chưa ai thành công.
Trở lại với nghiên cứu mới, các nhà khoa học Úc chỉ ra rằng dây thần kinh khứu giác chính là thứ cung cấp một đường dẫn ngắn xuyên qua hàng rào máu não, giúp mầm bệnh xâm nhập vào não. Và bạn có thể đặt vi khuẩn vào con đường này thông qua động tác ngoáy mũi hay nhổ lông mũi.
Nói cách khác, ngoáy mũi thực sự làm tăng cao nguy cơ mắc Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác, nhóm bệnh mà khi đã gặp thì không thể đảo ngược.
"Nếu bạn làm tổn thương niêm mạc mũi, bạn có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có thể đi lên não" - tờ Medical Xpress dẫn lời giáo sư James St. John, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu tế bào gốc và sinh học thần kinh Clem Jones - Úc, đồng tác giả của nghiên cứu.
Các nhà khoa học đã quan sát được cơ chế nói trên trực tiếp qua các mô hình trên chuột. Họ đang tiến tới các thử nghiệm chi tiết hơn trên người để chứng minh điều hoàn toàn tương tự cũng xảy ra với con người. Nhưng dù thế nào đi nữa, kết quả trên đủ cho thấy việc táy máy với chiếc mũi của mình là điều bạn nên dừng lại ngay lập tức.