Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN: Đa dạng đề tài được triển khai tại Bình Thuận

Với nhiệm vụ được giao, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) trên các lĩnh vực đang được đơn vị chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện. Nhất là tập trung vào khai thác các tiềm năng, sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho kinh tế Bình Thuận.

Theo đó trong năm 2024, Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận tham gia 1 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi: Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận. Hiện dự án này đang triển khai tại địa phương theo tiến độ đề ra, đồng thời đã tham mưu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu về nguyên vật liệu xây dựng nhà trồng nấm rơm, bông hạt trồng nấm rơm (đạt 40% khối lượng công việc dự án).

Mô hình sản xuất rau và dưa lưới được Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận triển khai trong thời gian qua.

Mô hình sản xuất rau và dưa lưới được Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận triển khai trong thời gian qua.

Đối với nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, từ đầu năm đến nay đơn vị chức năng cũng thực hiện đúng tiến độ đề tài: Xây dựng mô hình quản lý, phát triển các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Qua đó xúc tiến tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận với sự tham gia của đại diện nhiều sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Đồng thời tiến hành lấy ý kiến và xây dựng hệ thống nhận diện, phương tiện quảng bá nhãn hiệu tập thể cho 7 sản phẩm OCOP, hiện đã triển khai đạt 80% khối lượng công việc của đề tài.

Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận còn phối hợp các địa phương triển khai nhiều đề tài phục vụ công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng KHCN. Trong đó có một số đề tài đã được nghiệm thu như: “Xây dựng mô hình nuôi ếch thương phẩm trong bể bạt tại huyện Tánh Linh”, “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình tại huyện Hàm Thuận Nam”, “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình tại huyện Hàm Thuận Bắc”… Bên cạnh đó, đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín (trồng cỏ, nuôi bò, nuôi trùn quế) tại thị xã La Gi” đang triển khai đạt 30% khối lượng công việc. Với đề tài “Xây dựng mô hình trồng tre tứ quý lấy măng tại huyện Hàm Thuận Nam” thì đến nay đạt khoảng 20% khối lượng công việc đề tài.

Song song đó, trung tâm vẫn duy trì hoạt động cấy mô chuối, nghiên cứu quy trình nuôi cấy mô cho một số loại giống mới có giá trị kinh tế, tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất tỏi đen cũng như quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Ngoài ra cũng triển khai hoạt động tại khu thực nghiệm của đơn vị như: Sản xuất rau thủy canh, trồng dưa lưới trong nhà kính gắn với phục vụ người dân địa phương có nhu cầu tham quan, học tập kinh nghiệm…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nghien-cuu-ung-dung-chuyen-giao-tien-bo-khcn-da-dang-de-tai-duoc-trien-khai-tai-binh-thuan-123819.html