Nghiên cứu xây dựng cơ chế tái giám sát đối với những nội dung, giải pháp đã cam kết

Để nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội trong giám sát thi hành pháp luật, cần nghiên cứu các hệ quả sau giám sát, sau các phiên chất vấn, giải trình; quy định cụ thể về việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện các cam kết, lời hứa của những người đứng đầu trong các phiên chất vấn, giải trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Đây là đề nghị của các đại biểu khi dự Hội thảo “Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội - Thực trạng và kiến nghị”.

Hoạt động chất vấn, giải trình ngày càng đi vào thực chất

Giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ là hai mặt của một vấn đề với mục tiêu bảo đảm việc thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền lực nhân dân mà Quốc hội là người đại diện. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ xuất phát từ vị trí, vai trò của Quốc hội và Chính phủ cũng như mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Đánh giá về các quy định hiện hành liên quan đến quyền giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhận thấy, hiện đã được quy định khá đầy đủ tại Hiến pháp và các luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Thông qua việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Quốc hội có thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện về hoạt động của các cơ quan nhà nước và đời sống kinh tế - xã hội để có cơ sở nhận định, đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Ngược lại, những vấn đề Quốc hội, đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động giám sát của Quốc hội, tại các phiên chất vấn, giải trình sẽ giúp Chính phủ kịp thời có giải pháp, phương án khắc phục, nhất là những yếu kém trong tổ chức thực hiện pháp luật.

“Thời gian qua, Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định, ngày càng thực chất hơn, thu hút sự quan tâm của cử tri, góp phần tăng trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu cơ quan giải trình”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ.

Cho rằng, công tác giải trình của Chính phủ ngày càng được thực hiện trách nhiệm, nghiêm túc và chất lượng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu rõ, hoạt động chất vấn, giải trình ngày càng đi vào thực chất hơn, nội dung chất vấn, yêu cầu giải trình tập trung vào nhóm những vấn đề bức xúc được đại biểu và cử tri quan tâm. Không khí chất vấn thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, xây dựng, tăng tính đối thoại; việc thường xuyên ban hành Nghị quyết sau chất vấn và yêu cầu báo cáo việc thực hiện tại các kỳ họp đã bước đầu tạo cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực hiện cao hơn các cam kết của người trả lời chất vấn. Sau các phiên chất vấn, giải trình, Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu, tập trung chỉ đạo sửa chữa, khắc phục một số vấn đề hạn chế được chỉ ra, có nhiều tiến bộ trong hoạch định và thực thi chính sách. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã chủ động thông tin công khai những giải pháp đã triển khai để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, được cử tri chia sẻ, giải tỏa nhiều vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Việc gắn kết giữa xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri với hoạt động chất vấn đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.

Quy định cụ thể việc theo dõi, đánh giá thực hiện các cam kết, "lời hứa"

Đối với hoạt động giải trình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, trong các nhiệm kỳ gần đây, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên tổ chức các phiên giải trình về việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong phạm vi lĩnh vực phụ trách. Các nội dung được lựa chọn để tổ chức các phiên giải trình tương đối đa dạng, toàn diện, tập trung vào các vấn đề đang được cử tri và Nhân dân quan tâm hoặc có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tại các phiên giải trình, các ý kiến trao đổi thẳng thắn, mang tính xây dựng để làm rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các Bộ, ngành trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; từ đó góp phần gợi mở các giải pháp khắc phục những bất cập, tồn tại trên thực tế.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội thảo sáng 12.1

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại hội thảo sáng 12.1

Song, qua thực tiễn, một số đại biểu chỉ rõ, hoạt động giải trình của Chính phủ còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nhiều báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội chỉ tập trung báo cáo các kết quả, thành tích đạt được mà chưa chú trọng, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập. Việc chỉ ra các nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế còn e dè, một số nội dung chưa chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng ngành mà còn chung chung, thiếu cụ thể.

Mặt khác, tại các phiên chất vấn, phiên giải trình, người giải trình luôn đưa ra những giải pháp, cam kết trong thời gian sắp tới để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đôi khi sau đó "lời hứa", cam kết vẫn chưa được hiện thực hóa, triển khai bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể để tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

Để tăng “sức nặng” của hoạt động giám sát, các đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu các hệ quả sau giám sát, sau các phiên chất vấn, giải trình; quy định cụ thể về theo dõi, đánh giá việc thực hiện các cam kết, "lời hứa" của những người đứng đầu trong các phiên chất vấn, giải trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế tái giám sát, tái giải trình đối với những nội dung, giải pháp đã được cam kết thực hiện.

Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong đó lưu ý đến quy định về trình tự, thủ tục, phạm vi, những nội dung cơ bản, cách thức tiến hành, trách nhiệm của các bên và hậu quả pháp lý của hoạt động giải trình. Quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó các báo cáo, thông tin mà các cơ quan có trách nhiệm giải trình cung cấp phải kịp thời, chính xác, trung thực, đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giải trình, phải chịu trách nhiệm về những thông tin, báo cáo đó; trong trường hợp liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, yếu kém, vi phạm thì cần phân tích làm rõ trách nhiệm, mức độ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp để khắc phục.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nghien-cuu-xay-dung-co-che-tai-giam-sat-doi-voi-nhung-noi-dung-giai-phap-da-cam-ket-i357409/