Nghiện thuốc lá là bệnh chứ không phải thói quen

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nghiện thuốc lá là một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt nam với 56,1% nam giới hút thuốc lá. Triệu chứng lâm sàng của nghiện thuốc lá bao gồm ham muốn hút thuốc lá mãnh liệt không thể cưỡng lại được; hội chứng dung nạp thuốc lá và hội chứng cai thuốc lá.

Nghiện thuốc lá là bệnh chứ không phải thói quen như lâu nay nhiều người vẫn nhầm tưởng. Vì là bệnh nên việc nghiện thuốc lá cũng cần được chữa trị. Theo phân loại mã số bệnh tật quốc tế ICD - 2011, nghiện thuốc lá được xếp vào dạng rối loạn tâm thần, hành vi do dùng chất hướng thần (mã số F 17- nghiện nicotine).

 Khi nghiện thuốc lá, hằng ngày người hút nạp vào cơ thể hàng chục loại hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư.

Khi nghiện thuốc lá, hằng ngày người hút nạp vào cơ thể hàng chục loại hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư.

Nicotine là nguyên nhân chính gây nghiện thuốc lá. Theo các nghiên cứu về tác hại thuốc lá, nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc một người “lệ thuộc” vào thuốc lá, không thể nói “không” với thuốc lá. Người nghiện thuốc lá sẽ có cảm giác “đói” thuốc nên không thể “quên” việc hút thuốc lá. Thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí họ sẽ tiếp tục hút thuốc lá ngay khi đã mắc các bệnh nặng do thuốc lá gây ra như: Suy hô hấp, phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi và nhiều bệnh tật khác.

Nicotine là một chất không màu, sẽ chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Người không hút thuốc lá khi hít, ngửi thấy khói thuốc sẽ cảm thấy rất ngột ngạt, khó chịu, thậm chí khó thở là vì vậy. Nicotine được người hút thuốc lá hấp thụ vào cơ thể qua da, miệng, niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Với mỗi điếu thuốc lá hút hết, người hút thuốc đưa vào cơ thể trung bình từ 1-2mg nicotine.

Sau khi hút thuốc được 7 giây, nicotine sẽ nhanh chóng được truyền đến não người hút. Nicotine tác động lên các thụ thể ở hệ thống thần kinh với chất dẫn truyền thần kinh dopamine, một hóa chất chính trong não điều chỉnh mong muốn sử dụng các chất gây nghiện, gây bài tiết adrenaline (nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi, ức chế co bóp và ức chế tiết dịch vị dạ dày).

Khi người hút thuốc lá tiếp nhận một lượng nicotine vào cơ thể, họ sẽ có cảm giác sảng khoái, tỉnh táo, thư giãn, tập trung chú ý, tăng hiệu quả hoạt động trí óc. Khi thiếu nicotine, người nghiện thuốc lá sẽ bị mất ngủ, trầm cảm hoặc hưng cảm, cáu gắt, bứt rứt, lo âu, giảm tập trung, ớn lạnh, sốt. Hiệu ứng tâm thần kinh của nicotine gây ra nhiều khi mạnh đến nỗi người nghiện thuốc lá không thể quyết định ngưng hút thuốc lá và họ sẵn sàng chấp nhận các tác hại của thuốc lá để đổi lấy các hiệu ứng tâm thần kinh đó.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành của Mỹ năm 2022 (Tobacco Control) cho thấy, người ta có thể trở nên nghiện thuốc lá khi chỉ hút 2 điếu/tuần. Thanh thiếu niên trở nên nghiện rất nhanh vì bộ não đang trong giai đoạn trưởng thành, dễ bị tác động hơn so với người trưởng thành. Người hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ trở nên nghiện càng cao. Vì vậy, các bạn trẻ, nhất là ở độ tuổi học sinh, sinh viên hãy tránh xa thuốc lá, kiên quyết nói không với thuốc lá.

Thanh Hà

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nghien-thuoc-la-la-benh-chu-khong-phai-thoi-quen-105554.bbg