Nghiêng mình trước đức hy sinh

Sinh sống, lập nghiệp trên mảnh đất ven biển, vùng nhiệt đới gió mùa lại nơi cửa ngõ giao lưu của châu Á nên người Việt Nam phải đối phó với nhiều kẻ thù, là gió bão, mưa nắng tai ác, là thú dữ, là kẻ xâm lược. Họ phải yêu thương, đoàn kết thành một khối vững chắc để tồn tại và phát triển.

Thế nên tính cộng đồng trở thành một đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt. Người Việt sống vì người: “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Tay đứt ruột xót”... Khái niệm “vị tha” (vì người khác) có gốc Hán nhưng được Việt hóa hoàn toàn nên trở thành phổ biến, rất hay dùng. Vị tha cũng là một đức hy sinh. Thế nên, như một lẽ tự nhiên người Việt ghét sự vị kỷ. Tục ngữ lên án gay gắt những kẻ chỉ biết lợi mình mà không biết đến người: “Cha chung không ai khóc”; “Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”; “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn”...

Hầu hết các nhân vật mang tính huyền thoại trong kho tàng văn hóa Việt đều ít nhiều biểu hiện đức hy sinh. Thánh Gióng đuổi giặc Ân xong nhưng không ở lại làm vua mà bay lên trời. Ngoài một tinh thần thiêng hóa thần tượng còn là ca ngợi sự hy sinh tuyệt đối của người anh hùng vì dân,0 vì nước. Chử Đồng Tử được tôn là một trong “Tứ bất tử” cũng vì phẩm chất hy sinh. Đồng Tử nhường mảnh khố duy nhất, cuối cùng cho người cha sang thế giới bên kia có cái mặc. Công chúa Tiên Dung hy sinh cảnh màn the vương giả để lấy Đồng Tử nghèo đến đáy lại tứ cố vô thân. Khi giàu sang phú quý vợ chồng họ lại vì dân mà lập ấp, dựng phố xá. Họ vượt biển để giúp dân làm giàu...

Cây đại thụ văn hóa Phật giáo bén rễ vào mảnh đất giàu tình thương nên nhanh chóng nảy mầm và lớn thành cây Phật giáo Việt Nam vừa mang tính bản nguyên vừa đậm đà bản sắc Việt. Giáo lý tình thương “Tứ vô lượng tâm” (từ, bi, hỷ, xả) của Phật giáo nguyên thủy sang văn hóa Việt thì “Tâm Từ” (khả năng hiến tặng) được tiếp thu gần như trọn vẹn để rồi nảy nở thành những hình tượng văn hóa kinh điển. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay là đạo lý cứu độ tuyệt đối. Có nghìn mắt để thấu nỗi khổ chúng sinh, có nghìn tay để cứu vớt con người. Trong hình tượng nàng Thoại Khanh Việt Nam có bóng dáng của Phật khi nàng cắt tay mình để mẹ chồng ăn đỡ đói... Hình tượng cô Kiều Việt Nam là sự kết tinh tinh hoa của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo để lung linh tỏa sáng phẩm chất đức hy sinh hiếu nghĩa vẹn toàn!

Một nền hóa giàu tinh thần nhân bản, vị tha như thế tất nhiên được hiện thực hóa ngoài đời. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tôn Thánh không chỉ vì tài năng quân sự kiệt xuất mà còn ở cái tâm, ở sự hy sinh tình cảm cá nhân vì đại cục quốc gia. Không nghe lời cha là phải trả thù nhà tức ông đặt “tiểu hiếu” (hiếu với cha mẹ) xuống dưới “đại hiếu” (hiếu với quốc gia, dân tộc). Tướng quân Trần Bình Trọng hy sinh thân thể mình để giữ danh dự “thà làm quỷ nước Nam...”. Nguyễn Trãi nghe lời cha là phải biết hy sinh tình nhà vì nghĩa lớn, để mình cha nơi xứ người mà về tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi. Những nghĩa sĩ Cần Giuộc biết là sẽ chết nhưng vẫn “đạp cửa xông vào liều mình như chẳng có” để làm gương tiết liệt cho mọi người soi mà sẵn sàng xả thân đuổi kẻ xâm lăng Pháp...

Người Việt Nam buộc phải viết tiếp trang sử vẻ vang chiến thắng giặc Pháp xâm lược. Họ yêu thương nhau “chung chiếu chung chăn” cùng nhau đuổi giặc. Núi rừng như cũng quên sự “vô thường” để “che bộ đội” để “vây quân thù”. Người Việt Nam lại buộc phải đuổi giặc Mỹ xâm lăng để trở thành “nhân phẩm, lương tâm” cho nhân loại yêu hòa bình.

Một bạn người nước Anh hỏi tôi lời bài hát “Bà mẹ tiễn con đi ba lần, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về...”. Ý anh ấy hỏi theo tinh thần duy lý phương Tây: Ba đứa con đi, phải ba lần bà mẹ khóc thì mới logic với “các anh không về”? Tôi đáp: Người mẹ khóc hai đứa con đầu đã hết nước mắt. Đến người con thứ ba hy sinh, mẹ chỉ còn biết “lặng im”. Đó là sự hy sinh tuyệt đối.

Thời nào có chiến tranh thì sự hy sinh lớn nhất cho đất nước vẫn là những người mẹ và những người lính. Ở ngày hôm nay vẫn vậy. Đất nước hòa bình các anh vẫn chịu hy sinh. Các bà mẹ lính vẫn thấp thỏm từng giờ cầu mong con bình an!

Cả gần trăm triệu con tim đất Việt nghiêng mình trước đức hy sinh vì nước vì dân của những người lính anh hùng và những bà mẹ anh hùng! Sự nghiêng mình ấy đã góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam và làm giàu có bản sắc văn hóa Việt!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nghieng-minh-truoc-duc-hy-sinh-641752