Người trẻ đam mê 'giữ lửa' nhạc cụ truyền thống
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, không ít nhạc cụ truyền thống của dân tộc có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn có những người trẻ đam mê chế tác, 'giữ lửa' nhạc cụ truyền thống và lan tỏa đến cộng đồng.
Bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên rất phong phú, đa dạng song trước sự phát triển của công nghệ 4.0, không ít bạn trẻ có xu hướng chạy theo những dòng nhạc hiện đại, ít mặn mà với nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, ở một số buôn làng, vẫn có nhiều bạn trẻ ấp ủ niềm đam mê chế tác nhạc cụ truyền thống với mong muốn lan tỏa văn hóa của dân tộc mình đến mọi người. Và cậu bạn trẻ vừa tốt nghiệp lớp 12-Ksor Djoan (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa) là một điển hình như thế.
Gõ từng ống nứa và cảm nhận âm thanh mộc mạc của núi rừng, đó là cách Ksor Djoan thể hiện niềm đam mê với âm nhạc truyền thống. Những âm điệu trong trẻo từ tiếng đàn t’rưng như đang thôi thúc cậu theo học và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và lan tỏa đến cộng đồng.
Ksor Djoan chia sẻ: “Từ nhỏ em đã rất thích nghe và có thể cảm nhịp theo giai điệu của các loại nhạc cụ khác nhau như cồng chiêng, t’rưng, klong put,.. và có lẽ tình yêu với âm nhạc cũng nhen nhóm từ đấy. Trong tất cả các loại nhạc cụ thì t’rưng là loại em đặc biệt yêu thích và chơi thành thạo nhất. Em đã tìm đến một số nghệ nhân chế tác nhạc cụ ở trong tỉnh để học hỏi cách thức làm ra những chiếc đàn hoàn chỉnh. Sau thời gian học, em trở về làng tự tìm nguyên liệu và mày mò, tìm hiểu cách chỉnh âm, để cây đàn của mình mang âm thanh chuẩn và trong trẻo nhất”.
Theo Djoan, để chế tác một cây đàn t’rưng mất khoảng 3-4 ngày, nhưng những nguyên liệu để làm ra nó thì phải chuẩn bị từ 5-6 tháng. Sản phẩm đàn t’rưng đã hoàn thiện của em được mang đến nhà thờ để phục vụ những buổi thánh lễ, những ngày hội của làng và giao lưu với các làng khác. Không những thế, nhạc cụ được Djoan chế tác đã có đơn đặt hàng từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, giúp em có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Ksor Djoan luôn sẵn lòng truyền lại những gì mình biết cho bất kỳ ai có đam mê và mong muốn học chế tác nhạc cụ, Cậu thanh niên 18 tuổi cho biết, hiện tại ở xã chưa có đội nhóm nào về chế tác nhạc cụ, vậy nên cậu mong muốn có nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ có sự kết nối với nhau để cùng góp sức lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của ông cha để lại. “Để khi nhắc đến nghệ nhân chế tác nhạc cụ, người ta không chỉ nghĩ đến những người lớn tuổi, mà đó có thể là những người trẻ đam mê và nhiệt huyết như chúng em”-Ksor Djoan bày tỏ.
Là một trong những thanh niên cùng xã được Ksor Djoan “truyền lửa” học chế tác nhạc cụ, bạn Đanh (làng Nú) chia sẻ: Ban đầu cậu chỉ biết đánh đàn thôi, không nghĩ đến việc học chế tác vì nghĩ những loại nhạc cụ này rất khó để chinh phục. Sau khi được Djoan thuyết phục, cậu cùng với vài người bạn trong làng đã bắt đầu học chế tác nhạc cụ và bị "cuốn" vào niềm đam mê này. Để rồi những lúc rảnh rỗi, các bạn thanh niên này lại tập trung đến nhà Ksor Djoan miệt mài vót nứa, đan dây..., tạo ra những cây đàn hoàn chỉnh.
“Mỗi ngày, mình cùng với một vài người anh khác rủ nhau đến nhà Djoan để cùng học chế tác nhạc cụ. Ban đầu mình học đàn klong put, sau đó là học t’rưng, đến giờ đã biết cách làm t’rưng hai gian và ba gian rồi. Hiện tại chúng mình cũng đang cố gắng kêu gọi các bạn trẻ trong xã tham gia nhóm chế tác để có thể xây dựng đội ngũ nghệ nhân trẻ đông đảo hơn, một phần giúp cho nhạc cụ dân tộc không bị mai một.
Tiếng đục đẽo, nói cười của những bạn trẻ làm cho không khí trong căn nhà nhỏ của Ksor Djoan thêm rộn ràng. Từ những ống nứa vô hồn, qua bàn tay khéo léo của người thanh niên có đam mê cháy bỏng với nhạc cụ dân tộc đã trở thành những sản phẩm hoàn chỉnh mang nét đẹp rất riêng.
Già làng Ơi Blơng (84 tuổi, làng Bông, xã Hà Bầu) trải lòng: "Mong muốn của tôi là thế hệ trẻ nối tiếp văn hóa truyền thống do ông bà xưa để lại. Tôi luôn động viên các cháu thanh thiếu nhi trong làng phải học để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ví dụ như con gái phải học múa xoang, dệt thổ cẩm; con trai thì phải học đánh đàn, theo Ksor Djoan học chế tác nhạc cụ, để không lãng quên truyền thống của dân tộc mình."
Trao đổi với P.V, anh Y Djễu-Bí thư Đoàn xã Hà Bầu-cho biết: “Với vai trò là thủ lĩnh thanh niên trong xã, tôi thấy đây là một hoạt động rất đáng được lan tỏa và truyền bá đến mọi người nhất là thế hệ trẻ. Để tiếp thêm động lực cho các bạn, Đoàn xã đề xuất với lãnh đạo UBND xã và huyện tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ để tạo sân chơi cho thế hệ trẻ thể hiện bản thân, đồng thời lan tỏa văn hóa của dân tộc mình đến cộng đồng”.
Chế tác nhạc cụ dân tộc không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn giúp các bạn kiếm thêm thu nhập, đồng thời góp phần lưu giữ và lan tỏa nét văn hóa đặc trưng, nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào dân tộc. Giữa những thanh âm ồn ào sôi động của xã hội thời 4.0, bằng sự đam mê nhiệt huyết, những "nghệ nhân trẻ tuổi" vẫn đang hàng ngày “giữ lửa”, góp phần bảo tồn nét tinh hoa của truyền thống văn hóa và làm phong phú thêm kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Những bạn trẻ đam mê nhạc cụ dân tộc cùng mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến cộng đồng. Thực hiện: Trân Trân