Vì sao giã cua đồng cần cho muối?

Nếu mua cua được giã ở chợ, hẳn bạn thấy người bán hàng luôn bỏ một chút muối hạt vào; bạn có biết vì sao giã cua đồng lại cần cho muối?

Cua đồng tuyệt ngon khi được chế biến thành các món canh cua mùng tơi, mướp, canh riêu cua, lẩu riêu cua. Tuy nhiên, quá trình chế biến khá kỳ công, phải xay giã và lọc, và quá trình đó cần được cho thêm chút muối. Vì sao giã cua đồng cần cho muối là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong khi đứng chờ người bán hàng ở chợ làm cua cho mình.

Vì sao giã cua đồng lại cho muối?

Trong nồi canh hay lẩu cua, phần nổi lên chính là protein thịt cua. Khi nấu canh, nấu riêu cua, nếu bạn muốn kết tảng nhiều thì phải có kỹ thuật để thịt cua đông kết lại với nhau thay vì tan rã trong quá trình nấu. Đó là lý do vì sao khi giã cua đồng lại cần cho muối hạt vào.

Muối là thành phần giúp cho các phân tử protein trong cua liên kết với nhau, nhờ đó mà đông lại thành tảng nổi lên khi nấu, trông hấp dẫn và đẹp mắt. Ngoài ra, ở nhiệt độ cao, các sợi protein xoắn và co lại, đẩy các phân tử nước ra ngoài khiến món ăn bị khô. Dưới tác động của muối, các sợi xoắn đó bị hòa tan thành dung dịch keo đặc giúp hấp thụ và giữ nước tốt hơn, giúp thịt cua giữ được độ mềm, ngậy.

Một lý do cần cho muối khi giã cua đồng khác là muối giúp diệt khuẩn, giúp món ăn trở nên an toàn hơn, lâu bị hỏng. Trong các thực phẩm giàu protein, cua thuộc lại nhanh biến chất, phân hủy, do đó việc cho thêm muối rất quan trọng.

Vì sao giã cua đồng cần cho muối? Muối giúp cua đông kết tốt hơn. (Ảnh: Pinterest)

Vì sao giã cua đồng cần cho muối? Muối giúp cua đông kết tốt hơn. (Ảnh: Pinterest)

Mẹo nấu canh cua nổi tảng

Để có một bát canh cua ngon với nhiều tảng, khi nấu bạn không nên khuấy liên tục vì sẽ khiến thịt cua bị tan, không kết tảng được. Thay vào đó, bạn chỉ nên khuấy khi bắc nồi lên bếp, sau đó để cho cua tự nổi tảng, kết lại với nhau. Lưu ý, cần nấu canh cua dưới lửa vừa, không để lửa lớn vì thịt cua nổi lên dưới áp lực nước sôi mạnh sẽ tan rã.

Ngoài ra, để cua đóng thành nhiều tảng đẹp mắt, bạn cũng nên vớt tảng cua ra rồi mới cho rau vào nấu. Tại một số nhà hàng hay quán ăn, người ta còn đánh thêm trứng gà vào để giúp kết tảng cua nhiều hơn. Sử dụng đậu phụ bóp nhuyễn cũng là cách giúp tăng tảng cua nhưng lại khiến cua bị nhạt, bã, không ngon bằng cua nguyên chất.

Để nồi canh cua trong, không dầu mỡ, một số người thường cho ngay gạch cua vào nước cua khi nấu để nổi cùng với thịt cua. Trong khi đó, một số bà nội trợ khác lại thích phi thơm gạch cua rồi mới cho vào nấu canh.

Cách thực hiện như sau: Cho dầu mỡ vào chảo đun nóng để phi hành rồi đổ gạch cua vào đảo cho dậy mùi, nêm chút gia vị. Đổ gạch cua phi thơm này lên trên phần tảng thịt cua đã vớt ở bước trên; lúc ăn thì múc canh cua, riêu cua ra tô, sau đó xắn miếng thịt cua đặt lên trên mặt bát.

Bạn đã hiểu vì sao giã cua đồng cần cho muối cũng như biết cách nấu canh cua nổi nhiều tảng, hãy thử áp dụng để có nồi canh, lẩu riêu cua thật ngon nhé.

Minh Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-gia-cua-dong-can-cho-muoi-ar882192.html