'Nghiệp' và vấn đề 'tài, sắc, mệnh' của nhân vật nữ trong truyện Kiều

Lê Thị Thuyền Quyên (Thích Nữ Diệu Lạc)
Học viên Cao học ngành Văn học Việt Nam- K31- Trường ĐHSP Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023

Tóm tắt: Xưa nay vấn đề tài, sắc, mệnh là ba yếu tố nó luôn đi cùng với nhau, và có liên quan gì đến quan niệm về “nghiệp” trong Phật giáo? Cách hóa giải nghiệp như thế nào, dưới ngòi bút và góc nhìn của Đại thi hào Nguyễn Du?

Nghiệp ở đây có biệt nghiệp và cộng nghiệp, cùng những đặc tính xã hội trong tương tác với số phận con người nói chung và của người phụ nữ nói riêng. Người xưa có câu: “hồng nhan bạc phận” hay “chữ tài liền với chữ tai một vần”, ý câu thành ngữ và câu thơ của Nguyễn Du nói lên sự mâu thuẫn không thể dung hòa giữa tài năng và số phận của người phụ nữ?

Người con gái có sắc đẹp và tài năng thường có số phận hẩm hiu, đau khổ, đường đời lắm những truân chuyên, lận đận trong tình duyên và cuộc sống. Điển hình là nhân vật Kiều trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Du, ông cảm thương và xót xa cho thân phận của những người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh.

Từ khóa: Tài, sắc, mệnh, thân phận người phụ nữ, hồng nhan bạc mệnh, kiếp hồng nhan.

Đặt vấn đề

Trong xã hội phong kiến, người nữ thường là những người tài sắc vẹn toàn nhưng đa phần lại bạc mệnh. Đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du ta sẽ thấy rõ điều đó qua những câu thơ mà hầu như người dân Việt Nam nào cũng đều thuộc:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trong thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Tài, sắc, mệnh là ba yếu tố nó luôn đi cùng nhau, cho nên cổ nhân thường bảo: “hồng nhan bạc phận”, “hồng nhan đa truân”, hay Nguyễn Du cũng đã từng nói trong thơ của mình “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Thật đúng như thế, những người phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ thường là những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng số phận thì lại éo le, đau khổ, họ khát khao được hạnh phúc, được yêu thương như bao người phụ nữ khác trong xã hội nhưng đã bị cái xã hội bất nhân ấy chà đạp mà điển hình là nhân vật Kiều trong tác phẩm cùng tên của ông. Cuộc đời Kiều trải qua không biết bao nhiêu là sóng gió, tủi nhục, từ một cô gái khuê các, thông minh, hiếu thảo, tài sắc phải nói là không ai sánh được nhưng lại bạc mệnh. Âu cũng là “ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Mặc dù có những lần nàng muốn đầu hàng với số phận, nhưng nàng biết là không thể nào thoát được đành phải chấp nhận cho số kiếp của chính mình.

Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh

Làm người sống trong xã hội thì ai cũng có ước mơ, ai cũng có hoài bão, dù chỉ là ước mơ nhỏ nhoi được sống, được là chính mình, và Kiều cũng không ngoại lệ. Dù vẫn biết quan niệm “bỉ sắc tư phong” (được cái này, thì mất cái kia) không ai được hoàn hảo hết, trời cho ta cái này thì cũng sẽ lấy đi cái khác của ta mà thôi. Nói rõ ra chính là quy luật bù trừ.

Qua nhân vật nữ tài sắc vẹn toàn điển hình là nhân vật Kiều, tác giả Nguyễn Du đã lên án, tố cáo những thế lực đã chà đạp lên quyền sống, quyền được hạnh phúc của con người. Đó là sức mạnh đen tối của đồng tiền phi nghĩa, nó đã trở thành kẻ đồng lõa với lòng tham, sự bất công và cái ác, cũng nơi đây tác giả muốn gửi gắm ước vọng về quyền tự do được sống, quyền bình đẳng, quyền đi tìm hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời bấy giờ. Và chính bài viết này, người viết cũng muốn trình bày gói gọn mối quan hệ giữa tài, sắc và mệnh của nhân vật nữ trong truyện Kiều nhằm phần nào nói rõ hơn về vấn đề trên.

1. Sắc và mệnh

Nhân vật người phụ nữ trong truyện Kiều của Nguyễn Du có nhan sắc đẹp tuyệt trần:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Mai cốt cách ý nói lên cốt cách thanh tao, mảnh dẻ như cây hoa mai. Còn tuyết tinh thần ý nói tinh thần thì trong trắng, trinh nguyên như tuyết, tác giả đã sử dụng bút pháp tượng trưng, ước lệ nói lên cái sự duyên dáng, thanh tao, trong trắng của chị em Thúy Kiều. Vẻ đẹp phải nói là đạt đến mức hoàn hảo không còn chỗ nào để chê.

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Trang trọng ở đây chính là nét đẹp cao sang, quý phái của Thúy Vân. Nguyễn Du đã so sánh cái vẻ đẹp của Thúy Vân với trăng, với mây, với hoa, với ngọc, với tuyết, những hình ảnh phải nói là đẹp nhất của thiên nhiên, lấy chuẩn mực của thiên nhiên để đo với vẻ đẹp của con người. Hai từ “thua” và “nhường” cùng với chân dung miêu tả sắc đẹp viên mãn, đoan trang, đầy đặn, tác giả dường như muốn báo trước số phận của Thúy Vân êm đềm, suôn sẻ, bình lặng, không phải gặp những tai ương trắc trở.

Tiếp theo tác giả miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều cũng với những thủ pháp tượng trưng và ước lệ:

Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Vẻ đẹp của Thúy Kiều khác và hơn hẳn Thúy Vân cả về tài cũng như sắc. Đó chính là sắc sảo về trí huệ, mặn mà về tâm hồn. Một vẻ đẹp của trang giai nhân tuyệt mĩ, đến nỗi hoa phải ghen, liễu phải hờn “làn thu thủy, nét xuân sơn” tác giả miêu tả đôi mắt của Thúy Kiều long lanh, trong sáng, sâu thẳm như làn nước của mùa thu, đôi chân mày thì thanh thoát như dáng núi của mùa xuân. Phải nói rằng vẻ đẹp về nhan sắc của Thúy Kiều vượt ra khỏi chuẩn mực của tự nhiên cũng như khuôn khổ của người phụ nữ phong kiến, một vẻ đẹp có một không hai. Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa (hoa ghen, liễu hờn) kết hợp với thành ngữ (nghiêng nước nghiêng thành) vừa có tác dụng miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, vừa có tác dụng dự đoán về số phận, cuộc đời bất hạnh của nàng. Vẻ đẹp ấy gợi lên sự mâu thuẫn, không hài hòa, nên chắc chắn rằng cuộc đời Kiều sẽ lắm truân chuyên và trắc trở “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Có thể nói rằng: chân dung của Thúy Kiều là một bức chân dung về số phận, về cuộc đời éo le, trắc trở. Vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp khác người đến nỗi thiên nhiên phải ghen tị:

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều khác hẳn những người khác cho nên chắc chắn theo quy luật của định mệnh “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” bởi vậy, cuộc đời của Kiều là một cuộc đời của kiếp hồng nhan. Bất hạnh chồng chất bất hạnh, nỗi đau chồng chất nỗi đau, nỗi đau tình, nỗi hận đời và nỗi nhục thân có thể nói là cực điểm trên thế gian. Người xưa thường quan niệm rằng vẻ đẹp của người phụ nữ mà vượt qua định mức của vẻ đẹp tự nhiên thì vận mệnh sẽ long đong, cay đắng, khổ sở quả thật không sai.

2. Tài và mệnh

Mở đầu đoạn thơ Nguyễn Du đã bày tỏ quan niệm của mình về chữ Tài và mệnh:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Nhiêu đó thôi cũng đủ cho ta thấy giữa tài năng và số mệnh nó luôn luôn đố kỵ nhau, đây gọi là thuyết “tài mệnh tương đố”. Khi miêu tả về Thúy Vân thì tác giả chỉ chú trọng đến vẻ đẹp nhan sắc không chú trọng miêu tả tài năng và tâm hồn như khi miêu tả Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ tả sắc một phần, còn dành phần tả tài năng nhiều hơn.

Còn về Thúy Kiều thì Nguyễn Du lại miêu tả:

Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một cung bạc mệnh lại càng não nhân
Sắc đành đòi một tài đành họa hai

Tài năng của Kiều có thể nói là có một trên đời. Vốn được trời phú cho bản tính thông minh nên dù ở bất cứ lĩnh vực nào từ cầm, kỳ, thi, họa thì nàng ta cũng đều rất giỏi. Kiều thuộc lòng các cung bậc và đánh đàn hồ cầm phải nói là rất thành thạo, chuyên nghiệp, lại còn sáng tác được cả nhạc. Mỗi khi nàng chơi đàn, lại cất lên bài hát “bạc mệnh” làm cho những ai nghe tiếng đàn của nàng cũng đều đau khổ, sầu não. Tiếng đàn, bài hát ấy nó đi theo suốt cuộc đời của Kiều, nó biểu hiện một trái tim đa sầu, đa cảm và một cuộc đời đầy sóng gió, đau khổ. Đúng là người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Cái tài của Thúy Kiều sinh ra không đúng thời điểm, bị khách làng chơi lấy làm mua vui, bị Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến chế giễu, sỉ nhục, có lẽ ông trời cho nàng thật nhiều thứ, nhưng lại tước đi cái quyền được sống hạnh phúc, bình an của nàng. Một người phụ nữ nhan sắc tuyệt trần, thêm vào đó là tài năng xuất chúng nhưng lại bạc mệnh. Cho nên Nguyễn Du đã nói rằng:

Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần

Tác giả khuyên chúng ta không nên cậy vào tài năng của mình. Bởi vì có tài mà không có đức, cứ khoe khoang, thể hiện, cho mình là hay là giỏi mà không chịu tu nhân tích đức thì tai họa nó đến với mình liền liền, như thế khiến cho chúng ta lại càng đau khổ hơn. Bởi vì lẽ đó mà tác giả đã nhắn nhủ mọi người hãy tu tâm, dưỡng tính, làm lành lánh dữ thì chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ý ở đây là một người có tâm mang hạnh phúc đến cho người khác nhiều hơn là người có tài mà không có tâm.

Quay lại với nàng Kiều khi ngày tiết thanh minh đã đến trước mộ của Đạm Tiên và khóc, nàng khóc cho Đạm Tiên một ca nữ tài hoa nhưng mệnh bạc, khóc cho những người đàn bà bất hạnh, và cũng là khóc cho chính bản thân mình:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Hay:

Rằng: hồng nhan tự nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu

Thúy Kiều và Đạm Tiên cùng chịu chung số phận, họ là những nạn nhân của chế độ phong kiến, Nguyễn Du viết về họ bằng con mắt thoát ly, bằng sự cảm thông cho kiếp hồng nhan bạc mệnh ấy. Cho nên trong bài thơ Phận hồng nhan có mong manh của Cao Bá Quát cũng có viết:

Tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh
Buồn cho ai mà lại tiếc cho ai

Từ bao đời nay những ai mang kiếp má hồng thì dù được nhiều người yêu mến, người đưa kẻ đón.. nhưng cuộc đời của họ mấy ai được suôn sẻ, họ gặp nhiều gian nan, sóng gió, truân chuyên, trắc trở…đôi lúc họ cũng muốn vùng lên, muốn đấu tranh phá đi cái định kiến của xã hội để trở thành người phụ nữ hoàn thiện, hoàn mỹ nhưng nào có được.

Nguyễn Du đã mượn triết lý Nghiệp của nhà Phật để răn dạy mọi người hãy sống và thực hành nghiệp thiện, mọi thứ trên đời đều có nhân có quả.

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài

Nguyễn Du đồng cảm cho thân phận những người phụ nữ tài sắc nhưng số kiếp thì lại long đong trong xã hội phong kiến, cho nên ông đã an ủi họ là hãy chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình, đừng trách đời, đừng trách người mà hãy sống đúng, sống vị tha, yêu thương đồng cảm với mọi người. Những gì mình nhận lĩnh hôm nay âu cũng là nghiệp của nhiều kiếp trước, suy nghĩ như thế cho nó nhẹ lòng để sống tốt hơn ở cuộc sống hiện tại.

Kết luận

Tóm lại mà nói rằng cái tài của cụ Nguyễn Du làm cho người đọc phải tâm phục khẩu phục. Ông miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều từ ngoại hình, tính cách, tài năng và số mệnh quá tài tình. Lời thơ dễ đọc, dễ hiểu và dễ đi vào lòng người, đó chính là sự kết hợp hài hòa tinh hoa giữa ngôn ngữ bác học và tinh hoa ngôn ngữ bình dân, với lối sử dụng thể thơ lục bát truyền thống dân tộc đạt tới đỉnh cao rực rỡ nghệ thuật trong thi ca. Nguyễn Du mượn lời thơ để lên án tố cáo các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống của con người, thay lời muốn nói cho những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh trong cái xã hội phong kiến thối nát. Ông đã đồng cảm, bênh vực cho những người phụ nữ, những thân phận bé nhỏ, thấp cổ bé họng đã bị xã hội phong kiến vùi dập, chà đạp một cách không thương tiếc. Qua đó thể khát vọng công lý, khát vọng về một tình yêu tự do, trong sáng và hạnh phúc, đồng thời ca ngợi cái vẻ đẹp về sắc, về tình, về lòng hiếu thảo, về đức tính vị tha và trái tim nhân hậu của con người.

Lê Thị Thuyền Quyên (Thích Nữ Diệu Lạc)
Học viên Cao học ngành Văn học Việt Nam- K31- Trường ĐHSP Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Cao Sơn, (2003), “Quan niệm hồng nhan bạc mệnh thể hiện trong ngôn ngữ tả vẻ đẹp Thúy Kiều”, Tạp chí Văn học, số 12.
2. Hoàng Ngọc Hiến, Triết lý Truyện Kiều, Tạp chí Văn học, số 2, 1966
3. Truyện Kiều qua cái nhìn Phật học, Thích Đồng Trực (nguồn: http://thuvienhoasen.org/a8363/truyen-kieu-qua-cai-nhin-phat- hoc-luan-van-tot-nghiep
4. Đỗ Minh Tuấn, Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin, Hà Nội, 1995
5. Phạm Công Thiện, Nguyễn Du- Đại thi hào dân tộc, Viện triết lý Việt Nam và triết học thế giới,1996.
6. Nguyễn Du về tác giả tác phẩm, Nxb Giáo dục, 1998

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nghiep-va-van-de-tai-sac-menh-cua-nhan-vat-nu-trong-truyen-kieu.html