Nghìn năm hai tiếng 'VÌ DÂN'

Nỗ lực đổi mới cao độ để thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, dồn mọi tâm lực, trí lực cho hai tiếng 'VÌ DÂN', Quốc hội khóa XV đang có những bước đi đầy quyết đoán và đột phá để bây giờ, nghìn năm sau và mãi mãi về sau luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của nhân dân.

1. Hải trình táo bạo

Quốc hội khóa XV ra mắt trong bối cảnh toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, cực kỳ bất thường. Nhưng có vẻ như sự bất thường lại là cơ hội để Quốc hội làm được những điều phi thường.

Những tháng ngày qua đang đi vào lịch sử trăm năm có một khi thế giới gặp phải vô vàn biến cố kỳ dị, kỳ lạ và đầy bất trắc. Lần đầu tiên, nhân loại trải qua một đại dịch với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự đoán. Kể từ sau Chiến tranh lạnh, chưa bao giờ môi trường chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lại đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

"Nếu nói rằng sự bất thường là cơ hội để cho Quốc hội làm được những điều phi thường thì e là cũng chưa khiêm tốn lắm, trong khi khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều và khó lường. Quốc hội đã và đang dốc toàn lực để vượt qua thời kỳ bất thường này, cùng nhân dân tự tin tiến bước về phía trước." - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tác động dai dẳng, phức tạp của đại dịch, cộng với những căng thẳng, xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn, những chao đảo của thị trường lương thực, năng lượng, tài chính - tiền tệ, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, đã xóa đi nhiều thành quả giảm nghèo, phát triển của hàng thập kỷ qua và đang gây ra những khó khăn to lớn, đa chiều, cả trước mắt và dài hạn đối với nhiều nước trên thế giới.

Nhưng bức tranh toàn cầu không chỉ có những gam màu tối. Tất cả vẫn lạc quan và hy vọng về tương lai. Thế giới đang dần vượt qua đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không khiến “ngôi nhà chung” sụp đổ mà khiến nó trở nên mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Thế giới là vậy và Việt Nam cũng như vậy.

Lúc bão tố, thay vì lựa chọn cách tìm nơi tránh trú chờ đến lúc “sau cơn mưa trời lại sáng”, Quốc hội Việt Nam vẫn quyết định “dong buồm ra khơi”, đổi mới toàn diện ở cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

2. Cộng đồng trách nhiệm

Kế thừa và phát huy những thành tựu của thế hệ lãnh đạo đi trước, Quốc hội Khóa XV luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung cao độ, phát huy trí tuệ, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với phương châm “chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội Khóa XV đã đạt được một số thành tựu.

Một số thành tựu có thể dễ dàng nhìn thấy ở những “lần đầu tiên”. Như, ở lĩnh vực lập pháp, lĩnh vực căn bản và quan trọng nhất của Quốc hội. Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đề nghị của Đảng đoàn Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận về vấn đề này làm cơ sở, định hướng cho cả nhiệm kỳ Quốc hội.

"Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội luôn chỉ đạo sát sao, theo dõi thường xuyên và đôn đốc bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần từ sớm, từ xa, lắng nghe lẫn nhau, không câu nệ thủ tục, không quản thời gian để có được các dự án luật với chất lượng tốt nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên họp bất thường, kể cả ngoài giờ hành chính để kịp thời xem xét các tờ trình, báo cáo của Chính phủ và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh. Bên cạnh phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật để tập trung xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các bộ của Chính phủ đã có sự phối hợp chặt chẽ. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dù trong giai đoạn nào của quy trình lập pháp vẫn sát cánh cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm, mà không có sự phân biệt “quyền anh - quyền tôi” hay “việc của anh với việc của tôi”. Với cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và lắng nghe lẫn nhau, cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp… thì các dự án luật dù khó mấy cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao." - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kết luận số 19 của Bộ Chính trị đã được triển khai hết sức bài bản, nhanh chóng, khẩn trương, nghiêm túc và đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Phải là đặc biệt khát khao đổi mới thì Đảng đoàn Quốc hội mới có thể đưa ra đề nghị như vậy. Bởi theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội chỉ quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chứ không có chương trình cả nhiệm kỳ.

Nhưng nếu cứ giữ cách làm như cũ, sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng và thiếu toàn diện trong công tác lập pháp. Đảng đoàn Quốc hội đã quyết tâm trình với Bộ Chính trị để ban hành Kết luận 19. Kết luận của Bộ Chính trị là định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ để cụ thể hóa và thể chế hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tạo điều kiện cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan chủ động hơn, bao quát hơn trong trong xây dựng pháp luật – chức năng căn bản và quan trọng nhất của Quốc hội.

3. Rầm rập “ra trận”

Khát khao đổi mới trong lĩnh vực giám sát có vẻ còn mãnh liệt hơn và người dân đã được chứng kiến một cuộc “ra trận” với quy mô lớn chưa từng có vào mặt trận chống lãng phí.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội với nhiều đổi mới như lần đầu tiên, các đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Nét mới nữa trong giám sát là tiến hành sớm, song hành cùng với quá trình điều hành. Việc lựa chọn các chuyên đề giám sát có những nội dung là hậu kiểm nhưng có những nội dung là tiền kiểm và có những nội dung đòi hỏi song hành cùng với quá trình điều hành. Khi thực hiện điểm mới này, như thời điểm lựa chọn chuyên đề giám sát về quy hoạch, nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao Quốc hội lại tiến hành giám sát sớm như thế, khi cả nước mới ban hành được một quy hoạch duy nhất cấp tỉnh là Bắc Giang và một quy hoạch duy nhất của vùng là vùng đồng bằng sông Cửu Long và một quy hoạch quốc gia duy nhất đó là quy hoạch về sử dụng đất đai. Hầu như mọi công tác mới chỉ ở giai đoạn khởi động.

"Chỉ tính riêng cuộc giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, để có được báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục và 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang, ngoài việc trực tiếp “thực địa”, thì đoàn giám sát đã phải nghiên cứu 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100 nghìn trang tài liệu.

Báo cáo giám sát đã nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí." - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nếu giám sát theo hình thức hậu kiểm hoàn toàn thì tác động vào cuộc sống rất chậm. Quốc hội đã cùng Chính phủ nhìn nhận rằng lĩnh vực quy hoạch còn rất nhiều tồn đọng, nhiều vướng mắc và phải khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật. Qua giám sát và nghị quyết giám sát của Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ 3, đã góp phần tháo gỡ vướng mắc trực tiếp trước mắt và có những định hướng cho cả lâu dài và tạo được sự đồng thuận trong nhận thức từ trung ương đến địa phương về công tác quy hoạch.

Nhiều đại biểu Quốc hội đều thấy rằng giám sát đã qua thời “cưỡi ngựa xem hoa” khi mỗi người đều phải “gùi” cả tạ tài liệu khi “xung trận”. Điển hình như cuộc “hành quân” vào mặt trận chống lãng phí. Giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm cả 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước.

4. Chưa có tiền lệ

Ngay cả ở lĩnh vực quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tưởng như cực kỳ khuôn mẫu, nhưng giờ cũng đã xuất hiện những “lần đầu tiên”. Về công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Khóa XV đã kiện toàn công tác nhân sự và quyết định hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Đặc biệt, ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó quy định các biện pháp cấp bách, chưa có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, thể hiện sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) luôn chia sẻ, sát cánh, đồng hành với cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của nhân dân. Quốc hội cũng đã thông qua các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

"Đổi mới phải là quá trình liên tục và bền bỉ và phải ngày càng hiệu quả hơn, sáng tạo hơn. Trong thời gian tới, Quốc hội Khóa XV sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội Khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng." - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, tháng 1/2022, Quốc hội Khóa XV đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Tại Kỳ họp thứ 3, lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia về giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, tháng 11/2022.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, tháng 11/2022.

Còn tại phiên họp bất thường ngày 6/7/2022, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nhằm góp phần bình ổn giá xăng, dầu trong nước trước bối cảnh biến động của tình hình giá xăng, dầu thế giới, góp phần vào thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết khó khăn cho đời sống người dân và doanh nghiệp…

5. Một quyết định: “Lùi”

Tại kỳ họp cuối cùng của năm 2022, mặc dù rất sốt ruột, nhưng Quốc hội vẫn quyết định lùi thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có thêm thời gian đánh giá các chính sách và các sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quan tâm đến từng điều khoản sửa đổi và luôn nhắc đi nhắc lại rằng “dù rất cần đẩy nhanh tiến độ nhưng trách nhiệm của chúng ta với dân là rất lớn nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tháng 8/2022. Ảnh: Lê Thao

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tháng 8/2022. Ảnh: Lê Thao

Còn về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu đây là công việc đặc biệt quan trọng. “Mọi quyết sách đều phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Trong các đối tượng lấy ý kiến cần xác định cụ thể nội hàm “Nhân dân” là những ai. Nếu chỉ chung chung thì không kêu gọi, thu hút được sự quan tâm của nhân dân”. Cũng theo ông, dự kiến khung thời gian tổ chức xin ý kiến các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội lại trùng vào dịp Tết Âm lịch và Tết Dương lịch, do đó, cần nới khung thời gian để bảo đảm được yêu cầu và phải bảo đảm việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện hiệu quả nhất, thực chất nhất, thực sự phát huy được dân chủ và trí tuệ của toàn dân.

Nhìn vào lúc 0h

Hơn 10 năm trước, dư luận chấn động trước tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước. Điều hành giá xăng dầu phải vì hàng chục triệu người dân”. Giờ đây, khi là Chủ tịch Quốc hội, cũng bởi hai tiếng “vì dân”, vào thời điểm diễn biến điều hành xăng dầu manh nha bất ổn, tháng 3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn của UBTVQH về chủ đề này.

Tại phiên chất vấn, ông yêu cầu Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cầu về giá và về xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào. Phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn bằng kịch bản rất rõ ràng, vì cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu là một việc hết sức hệ trọng đối với quốc kế dân sinh, đối với sản xuất kinh doanh, quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội.

Hai tuần sau phiên chất vấn này, đã xảy ra chuyện chưa từng có tiền lệ: Giá xăng được điều chỉnh giảm lúc 0h. Việc điều chỉnh giảm giá xăng được thực hiện vào đúng lúc 0h ngày 1/4/2022, thay vào lúc 15h như thường lệ, theo lý giải của lãnh đạo Bộ Công thương là để thực hiện đúng theo Nghị quyết số 18 của UBTVQH về giảm, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/4/2022. Quyền lực của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, nhìn ở lúc 0h, đã trở nên đặc biệt sống động đến như vậy.

Nhớ lại những năm 2011, 2012, giá dầu trên thế giới quay cuống vũ điệu tăng khi lên đến 120-130 USD/thùng. Thời kỳ bấy giờ, thị trường xăng dầu trong nước được coi là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự tung tự tác với mỗi lần tăng giá đều rất bí hiểm và thường là “đánh úp” người dân. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong một cuộc họp về điều hành giá xăng dầu với sự tham gia đông đủ các doanh nghiệp “cộm cán” mặt hàng này, đã tuyên bố: “doanh nghiệp đừng dọa Nhà nước. Điều hành giá xăng dầu phải vì hàng chục triệu người dân”.

Tuyên bố này của ông Vương Đình Huệ đã khiến nhiều người lo ngại ông trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm lợi ích kinh doanh xăng dầu. Vượt qua tất cả, luôn với tinh thần không khoan nhượng, sau khi rời Bộ Tài chính vào năm 2013, trong gần 10 năm, ông lần lượt nắm các vị trí quan trọng: Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội và hiện là Chủ tịch Quốc hội.

Lê Thao

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nghin-nam-hai-tieng-vi-dan-120519.html