Nghinh Tường - miền quê xanh

Chúng tôi dạo bước dưới những tán rừng, nghe chim hót véo von, nước từ khe suối chảy ra róc rách, tạo nên âm hưởng của miền sơn cước thật bình yên. Với độ che phủ của rừng đạt hơn 90%; 6/7 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa…, chúng tôi cảm nhận Nghinh Tường (Võ Nhai) là một nơi đáng sống.

Nông dân xã Nghinh Tường (Võ Nhai) chăm sóc ngô.

Nông dân xã Nghinh Tường (Võ Nhai) chăm sóc ngô.

“Lá phổi xanh” ở Nghinh Tường đủ sức bảo vệ cho hơn 700 hộ gia đình trong xã sống trong bầu không khí trong lành, mát mẻ, không bị ô nhiễm môi trường; những cánh rừng trồng cũng góp phần tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân; 6/7 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa đủ cho thấy ý thức xây dựng đời sống cộng đồng của người dân nơi đây cao thế nào.

Đồng chí Nông Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Địa hình, thổ nhưỡng phù hợp với cây rừng, hơn nữa trên địa bàn lại có diện tích lớn rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng để nâng cao thu nhập. Năm qua, người dân đã tự bỏ vốn ra trồng gần 91ha rừng sản xuất; trồng 13ha cây quế; trồng 19.000 cây xanh phân tán (đều đạt 100% chỉ tiêu). Ngoài ra, người dân còn chăm sóc hơn 111ha rừng phòng hộ.

Xã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát khai thác lâm sản trên địa bàn theo đúng quy trình, quy định, không xảy ra tình trạng khai thác rừng không đúng địa điểm, lô, khoảnh, tiểu khu; tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản, Luật Đất đai tại 7/7 xóm; chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra rừng thường xuyên. 100% hộ ký cam kết về phòng cháy, chữa cháy rừng… Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh việc trồng rừng, để góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, người dân xã Nghinh Tường đã tận dụng lợi thế về đất đai để chăn thả đàn gia súc, gia cầm. Trong nhiều năm qua, đàn vật nuôi của xã phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổng đàn trâu hiện có 452 con; đàn bò hơn 200 con; đàn lợn gần 900 con và tổng đàn gia cầm các loại hơn 19.000 con.

Bà Hà Thị Thơm, xóm Na Hấu, cho biết: Gia đình tôi có ít ruộng canh tác, nên phải chăn nuôi thêm lợn, gà mới đảm bảo sinh hoạt hằng ngày. Còn rừng trồng phải chờ 6-7 năm mới cho khai thác. Sắp tới, gia đình tôi định dồn tiền mua thêm 2 con bò về nuôi vỗ béo.

Nhiều tuyến đường liên xóm ở Nghinh Tường đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân được thuận lợi.

Nhiều tuyến đường liên xóm ở Nghinh Tường đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân được thuận lợi.

Toàn xã Nghinh Tường chỉ có hơn 350ha đất canh tác, trong đó có hơn 220ha đất cấy lúa 2 vụ còn lại là đất trồng ngô. Không chỉ gia đình bà Thơm mà còn có nhiều hộ khác ở xã thiếu đất sản xuất, nên để giải bài toán về kinh tế, không có cách nào khác là trồng rừng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn để họ có thể thoát ly đi làm việc tại các công ty, nhà máy.

Chỉ tính riêng năm 2023, xã đã phối hợp mở một sàn giao dịch giải quyết việc làm tại Nhà văn hóa xã với gần 100 người tham gia, trong đó có 70 người được tuyển dụng đi lao động trong nước; 4 người đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Ngoài ra, UBND xã đã tổ chức 7 hội nghị nói chuyện chuyên đề về việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở ngước ngoài; 2 hội nghị tuyên truyền hướng nghiệp, khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên xã và học sinh lớp 8, lớp 9 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường; tổ chức thành công Hội thi “tuyên tuyền pháp luật và chính sách về lao động, đào tạo nghề, việc làm” thu hút hàng trăm người tham gia...

Nhờ những nỗ lực đó, số hộ nghèo ở Nghinh Tường đã giảm đáng kể qua các năm, hiên còn 280 hộ nghèo (giảm 80 hộ so với đầu năm năm 2023). Trong năm nay, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-10%; 7/7 xóm đạt Làng văn hóa; tỷ lao động qua đào tạo từ 630 lao động trở lên…

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo đồng chí Nông Đình Tuất, xã tăng cường sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của chính quyền để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; chủ động xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp năm 2024 phù hợp với điều kiện thời tiết và tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục chuyển đổi cây trồng, mùa vụ hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới cao sản để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phòng, chống mua bán lâm sản và phá rừng trái phép…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/nghinh-tuong-mien-que-xanh-0660910/