Ngộ độc khí CO khi sưởi ấm: Hướng dẫn sơ cứu không thể bỏ qua
Đốt than sưởi ấm trong nhà là việc nguy hiểm đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng năm nào vào mùa rét cũng xảy ra tai nạn đáng tiếc do ngộ độc khí CO.
Nhiều trường hợp nguy kịch, tử vong
Thực tế cho thấy, mỗi năm vào mùa rét, ghi nhận nhiều trường hợp đốt củi, than hoa, than tổ ong.... trong phòng kín để sưởi ấm dẫn đến ngộ độc khí CO và rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong.
Mới nhất, vào ngày 28/1, tại Bắc Giang, 3 người trong một gia đình đã được phát hiện tử vong trong phòng ngủ đóng kín cửa. Các nạn nhân nằm trên giường, phía dưới nền có một chậu than hoa đã cháy hết.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định có thể các nạn nhân đốt than để sưởi chống rét sau đó bị ngộ độc khí than.
Trước đó một ngày, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa tiếp nhận 2 ca bệnh ngộ độc khí CO do đốt than để sưởi ấm.
Theo lời kể của người nhà nữ bệnh nhân N.T.M. (63 tuổi), tối trước ngày nhập viện, bệnh nhân có đốt củi để sưởi ấm và đóng kín cửa để ngủ. Đến 3h sáng, con của bệnh nhân phát hiện mẹ đang trong tình hôn mê sâu nên đã đưa đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Tại đây, qua kiểm tra các bác sĩ thấy bệnh nhân có nồng độ CO2 trong máu cao. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc khí CO.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân L.T.N. (90 tuổi) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, giảm ý thức, được chẩn đoán ngộ độc khí CO.
Người nhà cho biết, do thời tiết lạnh quá nên bệnh nhân đã dùng củi đốt trong phòng kín để sưởi ấm, khi đi làm về thì gia đình thấy bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, nên đã đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Đáng nói, vào ngày 2/1 vừa qua, trên trên địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cũng xảy ra vụ hai vợ chồng tử vong trong phòng ngủ, bên cạnh giường có một chậu than củi đã tàn lửa.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bác sĩ Đỗ Quang Hiếu, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 10-20 trường hợp ngộ độc khí CO.
Vào ngày 25/1 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc khí CO.
Theo đó, bệnh nhân nam (61 tuổi) cùng vợ tự đốt than hoa sưởi ấm trong nhà, được người nhà phát hiện trong tình trạng gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân, gia đình đưa tới bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí CO, hiện đang được thở máy, hồi sức tích cực.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi 12 tuổi vào viện trong tình trạng lơ mơ, tím môi. Trước đó, ở nhà, mẹ bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm, khoảng 40 phút sau gọi không thấy trẻ trả lời và phát hiện trẻ nằm bất tỉnh trong phòng tắm. Ngay khi vào viện, trẻ được thở oxy dòng cao, hồi sức tích cực, may mắn bệnh nhân đã hồi phục tốt.
Tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chỉ trong hai ngày 24, 25/1 đã liên tiếp tiếp nhận 6 trường hợp nhập viện vì bị ngộ độc khí CO do nằm sưởi than trong phòng kín.
Trong đó, có 4 trường hợp là người trong cùng một gia đình. Theo đó, bệnh nhân N.T.H. (34 tuổi) cùng 3 người con do trời lạnh nên đã dùng than sưởi trong phòng kín. Cả 4 mẹ con được phát hiện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở phải nhập viện.
Đốt than, củi sưởi ấm có thể dẫn đến "cái chết êm dịu"
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhiệt độ xuống thấp, người dân thường có thói quen đốt than sưởi ấm. Mặc dù được cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn rất nhiều, nhưng trong những ngày giá rét vừa qua, nhiều người vẫn đốt than, củi sưởi ấm trong phòng kín.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 (carbon dioxide) ít ảnh hưởng sức khỏe; nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO (carbon monoxide) lại là khí rất độc.
"Đây là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào "cái chết êm dịu", TS Nguyên nói.
Giải thích thêm về khái niệm "cái chết êm dịu", vị chuyên gia chống độc cho biết: Bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi chúng ta hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất ô xy trong máu, khiến nạn nhân khởi đầu có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu lả, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.
"Điều nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân không kịp nhận ra được những bất thường, họ lịm, ngất đi nhanh chóng mà không nhận ra nguy cơ, không thể thoát ra ngoài dù với người bình thường chỉ là một cái với tay mở toang cửa", TS Nguyên nói.
Nếu hít phải lượng lớn khí CO, có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.
Khoảng 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Chỉ riêng mấy ngày rét đậm vừa qua, đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong… Do đó, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, trước đây người dân thường đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm trong không gian thoáng hơn như nhà trần lợp mái, đốt ngoài trời.
Còn hiện tại, điều kiện kinh tế xã hội phát triển hơn, nhà cửa đều xây dựng kiên cố, chưa kể mùa đông, các gia đình đều đóng chặt kín cửa, khiến oxy trong không khí hết rất nhanh.
"Việc than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Người ngộ độc khói than sẽ từ từ rơi vào trạng thái vô thức rồi dẫn đến tử vong, đó là điều rất nguy hiểm dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm do dùng than sưởi trong phòng kín", PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Về quan điểm của nhiều người cho rằng, khi đốt than sưởi ấm, chỉ cần hé mở một phần cửa sổ là có thể thông gió, không nguy hiểm tính mạng; vị chuyên gia hóa học cảnh báo, đây là suy nghĩ cực sai lầm bởi lẽ khi hít phải, khí CO vẫn ngấm độc từ từ, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh mãn tính như phổi, tim mạch…
"Ngoài sự nguy hiểm khi sưởi ấm bằng than, củi trong phòng kín gây thiếu oxy dẫn đến ngạt khí. Một nguy cơ cũng đáng được quan tâm là có thể bị bỏng khi ngã vào chậu than, chậu đốt củi. Không chỉ có vậy, kể cả các thiết bị sưởi ấm bằng điện nếu không cẩn thận cũng có thể bị bỏng", PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh.
Xử trí khi có người bị ngộ độc khí CO
Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như: Xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi,... mà bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí.
- Cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời. Vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.
- Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế như gọi 115.
- Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.
- Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.